Fica
  1. Thời sự

  2. Đầu tư

Đâu là động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong thời gian tới?

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Nền kinh tế sắp bước vào năm 2023 với rất nhiều khó khăn, thách thức. Câu hỏi đặt ra, đâu là động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong thời gian tới?

Ảnh minh họa.

Bắt đầu bằng gỡ khó cho doanh nghiệp

Năm 2022 sắp kết thúc, với rất nhiều dự báo lạc quan về tốc độ tăng trưởng GDP. Nhưng đằng sau con số tăng trưởng có thể lên tới 8% đó là rất nhiều khó khăn, thách thức.

Chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11 mới đây đã chỉ ra tới 8 yếu tố ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, bao gồm cả năm 2023. Mà một trong số đó là những khó khăn của khu vực doanh nghiệp.

Thậm chí, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã dùng tới cụm từ “đặc biệt” để nói về những rủi ro, khó khăn mà khối doanh nghiệp đang phải đối mặt, khi cầu của thị trường nước ngoài có xu hướng giảm, nhà nhập khẩu chậm thanh toán, lượng tồn kho tăng cao.

Dù mới đây, Chính phủ đã có những chỉ đạo về nới room tín dụng, gỡ khó cho thị trường bất động sản…, song rất rõ ràng, để kinh tế năm 2023 có thể có bước khởi đầu thuận lợi, phải bắt đầu từ việc gỡ khó cho doanh nghiệp.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khi giải quyết các vấn đề phát sinh mới, cần tránh những giải pháp đột ngột, không dự báo trước được, khiến doanh nghiệp khó thích ứng, chuyển hướng.

Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà tại các phiên hội thảo chuyên đề, cũng như phiên toàn thể của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm, diễn ra vào cuối tuần qua tại Hà Nội, rất nhiều ý kiến đã đề cập việc phải ổn định và lành mạnh hóa thị trường tài chính và thị trường bất động sản để tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế 2023. Cùng với đó, cần khai thông kênh vốn trái phiếu doanh nghiệp nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế…

Tạo động lực tăng trưởng mới, vững vàng vượt qua thách thức

Không phải ngẫu nhiên mà Diễn đàn Kinh tế năm nay có chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức”.

Nền tảng quan trọng cho tăng trưởng của kinh tế Việt Nam là ổn định kinh tế vĩ mô. Cách đây ít ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 15 năm qua, cảnh báo cuộc chiến chống lạm phát chưa kết thúc.

Những ngày cuối năm 2022, Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị để chuẩn bị cho việc triển khai Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Sau đó, vào đầu năm tới, sẽ ban hành Nghị quyết 01 về các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô.

Các quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra sau hội nghị này, nhưng tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11 mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những đề xuất ban đầu về phương châm điều hành kinh tế trong năm tới.

Và những đề xuất này là rất đáng quan tâm, khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô chủ động, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn theo hướng “bảo đảm ổn định trong điều kiện có nhiều bất định”; “chủ động thích ứng linh hoạt, hiệu quả trước những diễn biến phức tạp, khó lường”…

Cùng với đó, là “kiên định, nhất quán, bản lĩnh, tự tin trong điều hành trước sự biến động, tác động nhiều chiều từ thế giới và trong nước”; “có biện pháp kiểm soát rủi ro, ứng phó kịp thời với nguy cơ suy thoái, khủng hoảng từ bên ngoài”…

Khi các yếu tố rủi ro, bất định từ bên ngoài càng lớn, việc chủ động kiến tạo các động lực tăng trưởng mới ở trong nước càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ năm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh việc kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng kinh tế mới thông qua việc xây dựng và thực thi Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dẫu vậy, đây là những vấn đề mang tính dài hơi, hơn là trước mắt, cho ngay năm 2023.

Tại Diễn đàn, một phiên thảo luận chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công cũng đã được tổ chức. Tăng tốc đầu tư công và khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp để tạo bứt phá tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 là điều đã được thảo luận.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, khơi thông nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công có vai trò hết sức quan trọng, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng…

Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng vốn trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 260.000 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021. Năm 2023 cũng yêu cầu phải giải ngân toàn bộ số vốn thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội. Áp lực lớn, nhưng nếu thực thi hiệu quả, sẽ tạo động lực tăng trưởng quan trọng cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, các vấn đề về đẩy mạnh khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; đẩy nhanh chuyển đổi số; tháo gỡ các rào cản, nút thắt cho phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; lành mạnh hóa thị trường bất động sản… cũng đã được đề cập tại diễn đàn này. Đây chính là những động lực tăng trưởng quan trọng cho nền kinh tế trong năm 2023.

"Cần bám sát những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc."

- Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

 

Theo Hà Nguyễn

Báo Đầu tư