Hàng ngàn đơn vị và các hộ dân tại TPHCM đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời. Ảnh: Đại Việt
Trong Hội nghị ký kết hợp đồng mua bán điện với khách hàng lắp đặt điện mặt trời tại Công ty Điện lực Sài Gòn (thuộc Tổng Công ty Điện lực TPHCM) thì người dân đã thể hiện sự quan ngại về các thiết bị điện mặt trời hiện nay.
Ông Nguyễn Minh Tâm (ngụ đường Thạch Thị Thanh, quận 1) cho biết, hiện nay có rất nhiều người dân muốn lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà. Tuy nhiên, công tác nghiệm thu công trình để lắp đặt công-tơ 2 chiều của ngành điện còn khá chậm.
“Thằng em tôi lắp hệ thống điện mặt trời xong nhưng chờ cả tuần lễ cũng không có ai đến nghiệm thu để lắp công-tơ điện”, ông Tâm nói.
Cũng theo ông Tâm, mặc dù người dân rất muốn lắp điện năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, mọi người vẫn còn lo ngại về chất lượng của các loại thiết bị đang được quảng cáo trên thị trường.
Ông Nguyễn Minh Tâm (ngụ quận 1) góp ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Đại Việt
Hiện nay, thiết bị điện mặt trời của Đài Loan, Trung Quốc, Châu Âu…đang được nhân viên của các doanh nghiệp “chào mời” người dân. Tuy nhiên, người dân không hề có kinh nghiệm trong việc lựa chọn thiết bị, bởi đa phần người dân đều là những người lần đầu tiên lắp điện mặt trời.
“Bây giờ họ bảo là hàng Châu Âu mà bên trong thiết bị là hàng của Trung Quốc thì làm sao chúng tôi biết được. Ngành điện nên cho chúng tôi danh sách các công ty thi công, lắp đặt điện năng lượng mặt trời uy tín để người dân tham khảo. Ngoài ra, ngành điện cũng cần có cơ chế dành cho những người thường xuyên vận động người khác sử dụng điện năng lượng mặt trời. Như tôi đây thì tôi đã kêu gọi 5 người sử dụng điện năng lượng mặt trời rồi”, ông Tâm chia sẻ.
Ông Phan Vân Phong Vũ, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Sài Gòn cho biết, việc người dân hào hứng với điện năng lượng mặt trời là một niềm vui rất lớn với ngành điện.
Hiện nay, quy trình kiểm tra, nghiệm thu các thiết bị điện năng lượng mặt trời lắp tại nhà dân, doanh nghiệp thường mất khoảng thời gian từ 3 – 7 ngày. Nếu đạt thì ngành điện sẽ lắp công-tơ 2 chiều ngay để nối lưới và mua phần điện dư ra của người dân.
“Người dân muốn có cơ chế khuyến khích cho người giới thiệu người khác sử dụng điện mặt trời thì ngành điện sẽ tiếp thu và ghi nhận các ý kiến này. Còn đối với việc người dân lo lắng về chất lượng của các thiết bị điện mặt trời thì ngành điện khuyến khích người dân nên làm việc với các đơn vị thi công điện mặt trời đã được ngành điện thành phố rà soát và kiểm tra”, ông Vũ nói.
49 khách hàng đầu tiên đã thực hiện ký hợp đồng bán điện cho ngành điện lực sau khi lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời. Ảnh: Đại Việt
Trong hội nghị, Công ty Điện lực Sài Gòn cũng đã thực hiện ký hợp đồng mua điện với 49 khách hàng đầu tiên. Đây là các hộ gia đình đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái với tổng công suất hơn 456 kWp.
Giá bán điện của các hộ dân lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái cho ngành điện trong năm 2019 là 2.134 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT), tương đương với 9,35 UScents/kWh. Mức giá này nằm giữa khung bậc 3 và 4 giá bán lẻ điện sinh hoạt trong thang giá 6 bậc của ngành điện.
Theo đại diện của Tổng Công ty Điện lực TPHCM, tính đến tháng 4/2019, toàn TPHCM đã có 1.432 đơn vị và hộ dân lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái với tổng công suất trên 17.000 kWp.
Đại Việt