Fica
  1. Thời sự

"Đại dịch Covid-19 đẩy thế giới đi nhanh đến cách mạng số"

"Virus Corona gửi một thông điệp cho nhân loại, cho loài người. Chúng khiến thế giới đi nhanh hơn vào cách mạng số hóa, giao thức điện tử trên mọi phương diện cuộc sống nhanh hơn".

Đó là khẳng định của PGS, TS. Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (VEPR), Đại học Quốc gia Hà Nội tại Tọa đàm Chính sách “Hướng tới xây dựng một khuôn khổ pháp lý thích nghi với Kinh tế Nền tảng Số” vừa diễn ra ở Hà Nội.

Tại toạ đàm, các chuyên gia kinh tế Việt Nam đã phân tích những tác động nhiều chiều của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế Việt Nam.

Covid-19 thúc đẩy nhân loại đi nhanh hơn vào cách mạng số hóa

Theo ông Thành, đại dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến lịch sử phát triển của loài người, làm thay đổi cách thức đi lên của các nền kinh tế, của biến động thế giới. Đơn cử như cuộc biến động năm 1973 (khủng hoảng tăng giá năng lượng, dầu lửa).

Đại dịch Covid-19 đẩy thế giới đi nhanh đến cách mạng số - 1

PGS., TS. Nguyễn Đức Thành, chuyên gia kinh tế độc lập

"Tôi liên tưởng đại dịch Covid-19 có thể sẽ khiến kinh tế thế giới thay đổi về cách thức phát triển. Năm 2003, dịch Sars xảy ra tại Trung Quốc, người ta hạn chế giao dịch trực tiếp để chuyển sang giao dịch thương mại điện tử, lúc này công ty "gầm cầu" là Alibaba của Jack Ma trỗi dậy", ông Thành nói.

Ông Thành cho rằng: Dịch Covid-19 khiến các nước phải có cách làm việc theo mô thức mới, khác với truyền thống trước đây.

"Chỉ có điều cách thức tiếp cận của mỗi quốc gia sẽ khác nhau tùy thuộc vào nhận thức của từng Chính phủ, của từng người đứng đầu có dám thay đổi hay không? Cuộc chiến hiện nay không chỉ đánh bật Covid-19 mà chúng ta còn nhiệm vụ kép là chạy đua tạo ra vắc xin nhanh hơn, tốt hơn; cuộc đua thích nghi với bệnh dịch, với chiêu thức mới của kinh tế số, trí tuệ nhân tạo và số hóa nền kinh tế", TS. Thành nói.

Theo nguyên viện trưởng Viện VEPR: "Việt Nam có tiếp tục đứng ngoài hay đương đầu để bước vào giữa sân chơi toàn cầu, cái này tùy theo lựa chọn của Chính phủ, của doanh nghiệp và người dân. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để chúng ta ươm mầm cho các Startup về AI, về công nghệ, thương mại điện tử..."

Ai nắm được dữ liệu, đó là người chiến thắng

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, chuyển đổi số là xu thế tất yếu nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Việt Nam không thể rời bỏ khỏi xu thế này và chúng ta có lợi thế và có thể đi cùng với thế giới.

Đại dịch Covid-19 đẩy thế giới đi nhanh đến cách mạng số - 2

TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế độc lập

Minh chứng cho điều này, ông Thành cho biết, mạng 5G của Việt Nam đã có, là một trong những nước hàng đầu về công nghệ viễn thông, dù vẫn còn một số tồn tại. Chúng ta còn có lợi thế là dân số trẻ, nền kinh tế nhỏ, năng động...

"Muốn phát triển được AI, yếu tố cốt lõi nhất là hệ thống dữ liệu (data hay big data). Ai nắm bắt được dữ liệu, người đó là thắng lợi. Nước nào có được dữ liệu của thế giới, của xu hướng thời cuộc, kẻ đó là người chiến thắng", ông Thành nói.

Theo ông Thành, virus corona có tác động tới thế giới và Việt Nam. Chính vì vậy, kinh tế số hiện nay là xu thế, có dịch Covid-19 hay không có dịch thì chúng ta phải đi vào kinh tế số. Có dịch sẽ đẩy chúng ta nhìn thấy thực tế, thôi thúc đi nhanh hơn trước khi thế giới đi trước, nắm được lợi thế.

"Tôi thấy người trẻ Việt trong dịch bệnh Covid-19 rất thức thời, họ tổ chức học nhóm bằng skypee, zalo, zoom, face fanpage. Rồi họ tổ chức bán hàng qua trang điện tử, face, chuyển hàng bằng ship. Chính con cháu tôi đã làm; không phải chúng không có tiền mà chúng làm để học hỏi, để không lạc lõng", TS. Võ Trí Thành nói.

TS Thành cho rằng, dịch Covid-19 không chỉ khiến cho xu thế kinh tế số trên thế giới được thúc đẩy nhanh hơn mà còn chỉ ra đó là xu thế tất yếu, là cách thức vượt qua khó khăn đi trước khi nghĩ đến làm điều gì phi thường khác.

Covid-19 gây nên rủi ro nhưng cũng tạo ra cơ hội

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Covid-19 có tác động tiêu cực nhưng cũng có mặt giúp Việt Nam nhìn ra vấn đề của mình, đó là ứng dụng công nghệ vào phát triển như thanh toán mua hàng, dạy học.

Đại dịch Covid-19 đẩy thế giới đi nhanh đến cách mạng số - 3

Ông Đậu Anh Tuấn, đại diện VCCI

"Ngay cả chỉ thị 11 của Chính phủ cũng yêu cầu bộ máy tăng cường hoạt động điện tử hóa vào các hoạt động của mình. Ngay cả Chính phủ với bộ máy nhiều bộ ngành, khá cồng kềnh mà còn chủ động thì chúng ta cũng nên mừng", ông Tuấn nói.

Theo đại diện của VCCI: "Phát triển kinh tế số nên là tự thân chứ không nên chỉ ứng dụng vào thời điểm. Cần hướng đến nó là nền tảng, chủ động thay vì bị động. Việt Nam có cơ hội là dân số trẻ, doanh nghiệp nhỏ, dễ chuyển mình, dễ thay đổi".

Nguyễn Tuyền