Theo đại biểu Quốc hội, tình trạng sử dụng đất không theo quy hoạch vẫn còn nhiều (Ảnh: QH).
Quốc hội tiến hành thảo luận về Dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).
Nêu ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (đoàn Vĩnh Long) đề nghị Chính phủ cần đánh giá tác động kinh tế - xã hội, cân nhắc giảm tối đa tỷ lệ chuyển đổi đất trồng lúa sang đất khu công nghiệp.
Đại biểu nhấn mạnh việc tính toán phân hai tỷ lệ quy hoạch khu công nghiệp hợp lý cho từng địa phương để đảm bảo hài hòa giữa phát triển công nghiệp và nông nghiệp, giữa phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực. Bởi diện tích đất trồng lúa một khi đã quy hoạch phát triển thành khu công nghiệp thì không thể phục hồi hiện trạng được.
Ngoài ra đại biểu cũng cho rằng, cần thống nhất với chỉ tiêu quy hoạch đất xây dựng cơ sở thể dục, thể thao đến năm 2030. Song đề nghị việc triển khai lập quy hoạch sử dụng đất, xây dựng cơ sở thể dục, thể thao phải thống nhất với quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
Theo đó, cần thường xuyên kiểm tra, thanh tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
"Việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho lĩnh vực này không để xảy ra tình trạng tùy tiện điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép và đặc biệt không để xảy ra tình trạng sử dụng đất trồng lúa, đất nông nghiệp làm sân golf như thời gian vừa qua, làm mất diện tích đất canh tác và tác động xấu đến môi trường sinh thái", đại biểu Trang nêu ý kiến.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình) cho rằng quy hoạch cần có tính ổn định và tính khả thi cao, chú trọng bảo đảm quỹ đất cho giáo dục văn hóa.
Bà Nga cũng đã nêu một số hạn chế quy hoạch sử dụng đất như tính liên thông, liên kết trong quy hoạch sử dụng đất chưa cao, dự báo nhu cầu sử dụng đất chưa sát. Việc quản lý quy hoạch chưa nghiêm, chưa kịp thời. Tình trạng sử dụng đất không theo quy hoạch vẫn còn nhiều.
Đáng chú ý theo bà Nga, việc điều chỉnh quy hoạch còn khá dễ, nhiều khi phụ thuộc vào ý chí của các nhà quản lý trực tiếp. Quy hoạch sử dụng đất quốc gia cho thực hiện tốt, lấy ý kiến nhân dân. Việc lấy ý kiến qua cổng thông tin điện tử mang nặng tính tham khảo và vẫn còn hình thức. Việc đảm bảo quyền giám sát của nhân dân thực sự chưa được bao nhiêu.
Đại biểu đề nghị Chính phủ cần giảm thiểu điều chỉnh quy hoạch, đặc biệt là việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn dễ dàng như thời gian qua.
Phương án tốt nhất theo bà Nga là đã công bố quy hoạch thì không thể có sự điều chỉnh hoặc nếu có thì bị ràng buộc bởi hệ thống các điều kiện và trách nhiệm pháp lý chặt chẽ và minh bạch. Đồng thời cũng đề nghị cần kiểm soát chặt chẽ chuyển mục đích giữa các loại đất, đảm bảo xác định được chủ sử dụng đất đối với từng diện tích đất cụ thể có thể truy cứu trách nhiệm cụ thể cho chủ sử dụng đất khi sử dụng đất trái pháp luật.
Việc xây dựng hệ thống chế tài xử lý mạnh đối với các hành vi vi phạm pháp luật đất đai để tránh lãng phí đất đai trong quá trình sử dụng đất, qua đó nâng cao trách nhiệm của chủ sử dụng đất đối với đất được giao cũng được đặt ra.
Ông Nguyễn Đức Hải - Phó Chủ tịch Quốc hội - cho biết, đa số đồng tình nhận định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tuy nhiên cũng có các đại biểu cũng nêu bất cập, hạn chế cần khắc phục như chất lượng quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu, có trường hợp điều chỉnh quy hoạch tùy tiện dẫn đến lãng phí, thất thoát, ảnh hưởng đời sống nhân dân.
"Nhiều chỉ tiêu đạt thấp so với mục tiêu, có chỉ tiêu đạt dưới 50% như đất khu công nghiệp, đất xây dựng cơ sở thể dục thể thao, đất lịch sử, văn hóa, danh thắng, đất bãi thải, xử lý chất thải. Lập điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất ở các địa phương rất chậm...", Phó Chủ tịch Quốc hội nêu.
Nguyễn Mạnh