Bắt nguyên chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam
Nhà máy gang thép Thái Nguyên.
Ngày 18/, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty TISCO.
Đồng thời, cơ quan cảnh sát điều tra đã ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét người, nơi ở, nơi làm việc đối với 5 đối tượng, gồm:
Bị can Mai Văn Tinh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Thép Việt Nam; bị can Đậu Văn Hùng, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bị can Trần Trọng Mừng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TISCO, bị can Trần Văn Khâm, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty TISCO và bị can Ngô Sỹ Hán, nguyên Phó Tổng Giám đốc, Trưởng ban Quản lý Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 - Công ty TISCO về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Ngày 19/4/2019, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã phê chuẩn các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với các bị can. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung lực lượng, tiến hành điều tra mở rộng vụ án và xác minh thu hồi tài sản bị thiệt hại.
Vụ AVG trở thành dẫn chứng điển hình sai phạm trong thẩm định, phớt lờ rủi ro
Chuyên gia chỉ ra rằng, cơ quan chủ sở hữu còn hạn chế về khả năng nhận biết, cảnh báo các dự án kém hiệu quả.
Tại một sự kiện diễn ra ngày 17-18/4 do SCIC tổ chức, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, trong quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, một trong những hạn chế là việc thực hiện giám sát của cơ quan chủ sở hữu tại doanh nghiệp Nhà nước.
Vị chuyên gia cũng chỉ ra rằng, cơ quan chủ sở hữu còn hạn chế về khả năng nhận biết, cảnh báo các dự án kém hiệu quả. Thực tế có “sai phạm trong thẩm định dự án đầu tư, bỏ qua cảnh báo rủi ro” trong giám sát hoạt động doanh nghiệp Nhà nước thời gian qua.
Ông Phan Đức Hiếu dẫn chứng như một trường hợp điển hình là những vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone, trong việc mua cổ phần Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu ( AVG ) mà các cơ quan chức năng đang xử lý.
Chuyên gia này dẫn nhận định của Thanh tra Chính phủ: "Ngay từ giai đoạn thẩm định đã có một số cảnh báo rủi ro về tính khả thi, sự thiếu căn cứ về mức giá Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, tuy nhiên tổ thẩm định của Bộ Thông tin - Truyền thông đều phớt lờ”.
Siêu dự án đội vốn 30.000 tỷ đồng: Có tiền mà không tiêu được
Dự án này đang thiếu vốn trầm trọng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc tạm ứng vốn cho dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 (metro số 1), Bến Thành - Suối Tiên - dự án đang triển khai cầm chừng từ nhiều năm nay.
Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết theo kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài, trong giai đoạn 2016-2020 dự án sẽ được giao khoảng 7.559 tỷ đồng. Thế nhưng đến nay, dự án mới được giao khoảng 4.029 tỷ đồng trong hai năm 2016-2017, hai năm gần đây 2018-2019 dự án metro Bến Thành - Suối Tiên không được giao thêm vốn.
Trước tình trạng đói vốn của dự án này, UBND TP.HCM từng kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho tạm ứng từ ngân sách trung ương 2.158,5 tỷ đồng của TP. UBND TP.HMC cam kết chịu trách nhiệm thực hiện thủ tục hoàn trả tạm ứng ngay sau khi được Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí kế hoạch vốn cho dự án.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Dự án ban đầu có tổng vốn là 17.000 tỷ đồng, nhưng sau điều chỉnh lên 47.000 tỷ đồng. Theo quy định, dự án vượt trên 35.000 tỷ đồng thì phải báo cáo Quốc hội.
Cho nên, vấn đề “đói vốn” tại dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chỉ được tháo gỡ phần nào nếu như được Quốc hội thông qua việc điều chỉnh vốn đầu tư lên 47.000 tỷ đồng.
Trung Quốc đổ 4,1 tỷ USD mua lại doanh nghiệp Việt
Các nhà đầu tư Trung Quốc đang tăng cường mua doanh nghiệp Việt, bao gồm cả các dự án bất động sản kiểu "lúa non"
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), quý I/2019 các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc bao gồm Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và lãnh thổ Đài Loan đã đổ hơn 5,87 tỷ USD vào Việt Nam, trong đó hơn 4,17 tỷ USD vào góp vốn, mua lại cổ phần doanh nghiệp Việt.
Các nhà đầu tư Trung Quốc hiện bỏ hơn 71% số vốn đầu tư vào việc mua lại cổ phần và góp vốn vào các công ty tại Việt Nam.
Hiện trạng nhà đầu tư đến từ Trung Quốc tăng cường mua lại doanh nghiệp Việt, theo đánh giá của các chuyên gia thì đây là động thái đáng chú ý bởi hầu hết họ đều muốn xâm nhập thị trường Việt Nam bằng vốn trước khi chính thức đặt chân vào thị trường. Khi nắm lượng cổ phần tự quyết, các doanh nghiệp Việt sẽ nằm trong quyền quyết định của các nhà đầu tư nước này.
Theo Cục đầu tư nước ngoài, nhóm doanh nghiệp nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư khi tham gia mua cổ phần là doanh nghiệp logistics, bất động sản, dịch vụ tài chính và lữ hành...
Giá xăng tiếp tục tăng "khủng" hơn 1.000 đồng/lít
Giá xăng tiếp tục tăng mạnh
Liên Bộ Công Thương – Tài chính vừa phát đi thông báo liên quan đến điều hành giá xăng dầu kể từ 15 giờ chiều 17/4.
Theo đó, giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu như hiện hành. Đồng thời giảm mức chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu: xăng E5RON92 giảm còn 1.456 đồng/lít (chi kỳ trước 2.042 đồng/lít); Xăng RON95 xuống 743 đồng/lít (kỳ trước 1.304 đồng/lít); các mặt hàng dầu chi 0 đồng/lít.
Sau khi thực hiện việc trích lập, chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như trên, điều chỉnh tăng giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường: Xăng E5RON92 tăng 1.115 đồng/lít; Xăng RON95-III tăng 1.202 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S tăng 297 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 291 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S tăng 407 đồng/kg.
Mai Chi (tổng hợp)