Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn thành lập mới
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021.
Theo báo cáo, số lượng doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường có xu hướng tích cực. Tuy nhiên, những tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế vẫn còn dai dẳng, phản ánh qua việc số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ.
Nhiều doanh nghiệp vẫn chọn giải pháp tiếp tục chờ đợi, tạm ngừng hoạt động để nghe ngóng, xem xét diễn biến của thị trường, tìm kiếm ý tưởng, hướng đi mới hoặc chờ đợi triển khai các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước rồi mới quyết định tiếp tục kinh doanh hay giải thể, chưa "đóng cửa" hoàn toàn ở thời điểm này.
Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ.
Theo kết quả khảo sát tại Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020 công bố ngày 10/4, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực trên diện rộng lên toàn bộ hoạt động doanh nghiệp. Hơn 87% doanh nghiệp, gồm cả doanh nghiệp tư nhân trong nước và FDI, cho biết họ gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh trong năm 2020.
Do vậy, tình hình doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm 2021 tiếp tục có sự gia tăng. Con số cụ thể là 51.496 doanh nghiệp, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, 28.349 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chiếm đến 55,1% tổng số rút lui khỏi thị trường trong 4 tháng đầu năm.
Trong khi đó, số thành lập mới trong 4 tháng đầu năm 2021 là 44.166 doanh nghiệp, có tăng so với cùng kỳ 2020 và cũng là con số cao nhất trong giai đoạn 4 tháng đầu năm từ trước đến nay. Dù vậy, so với số doanh nghiệp rút lui của thị trường, lượng doanh nghiệp thành lập mới thấp hơn.
Trao đổi với Dân trí, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cho hay, khi nền kinh tế khó khăn do Covid-19 kéo dài, đã có những chỉ số rất đáng lưu ý xuất hiện. "Lần đầu tiên trong một thập kỷ gần đây, chúng ta quan sát thấy hiện tượng số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp tham gia thị trường", ông nói.
Theo ông Lê Duy Bình, quy luật thị trường có "sinh" có "tử" và hiện tượng rút lui khỏi thị trường là bình thường, song rút lui ở mức độ quy mô lớn trong một kỳ quan sát như vậy là điều rất đáng lo ngại. Chuyên gia này nêu góc nhìn từ đó có thể thấy, môi trường kinh doanh còn quá khó khăn, những tác động của Covid-19 là vô cùng lớn.
Thất nghiệp đáng báo động
Điều đáng chú ý khác, theo ông Lê Duy Bình, tỷ lệ tham gia thị trường lao động cũng giảm - hiện tượng rất ít khi xảy ra trong những năm trước đây. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp trong những người thuộc độ tuổi thanh niên thất nghiệp tăng và đây là một điều đáng quan ngại.
"Một bộ phận của nền kinh tế như ngành dịch vụ, du lịch, vận tải hành khách vẫn gặp muôn vàn khó khăn với lượng khách quốc tế sụt giảm nghiêm trọng tới gần 100%. Một khu vực chiếm 4-5% GDP chưa được phục hồi thì vẫn còn để lại nhiều gánh nặng cho nền kinh tế", ông Bình nói.
Theo lãnh đạo Tổng cục Thống kê, mặc dù những nỗ lực khôi phục kinh tế đi đôi với phòng chống dịch đã phần nào cải thiện các gam màu xám của tình hình lao động việc làm trong nước, trong quý I/2021, cả nước vẫn còn 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Trong đó, nam giới chiếm 51% và số người trong độ tuổi 25 - 54 chiếm gần hai phần ba.
540.000 người trong tổng số 9,1 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 bị mất việc. 2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh. 3,1 triệu người cho biết họ bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên. 6,5 triệu lao động báo cáo họ bị giảm thu nhập.
Số người thất nghiệp giảm so với quý trước nhưng tăng so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập hoặc đào tạo tăng lên so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2021 là gần 1,1 triệu người, giảm 137.000 người so với quý trước và tăng 12.100 người so với cùng kỳ năm trước.
"Nhìn chung, những con số thống kê về tình hình lao động việc làm quý I/2021 đã phản ánh những khó khăn và biến động của nền kinh tế nói chung và thị trường lao động Việt Nam nói riêng trong thời gian qua. Những khó khăn này là thách thức rất lớn đối với các nỗ lực của Chính phủ trước chủ trương hoàn thành tốt mục tiêu kép: vừa phát triển kinh tế vừa chiến thắng đại dịch", lãnh đạo Tổng cục Thống kê nhận định.
Nguyễn Khánh