Trao đổi với PV Dân trí xung quanh chủ đề vực dậy nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Nền kinh tế chưa thể hồi phục ngay được, nhiệm vụ lúc này cần việc hiện thực hóa các gói cứu trợ của Chính phủ.
- Phóng viên: Thưa ông, tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã tung nhiều gói kích thích kinh tế, song một số tổ chức, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận các gói này, là chuyên gia về tài chính, ông thấy bất cập ở đâu?
- TS. Nguyễn Trí Hiếu: Hiện nay, ngoài gói 300.000 tỷ đồng ưu đãi cho doanh nghiệp vay, Chính phủ còn có các chính sách khác như gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng cho người yếu thế, gói 180.000 tỷ đồng tạm hoãn, giãn thời gian nộp thuế.
Về cơ bản, chính sách làm an - yên lòng dân và xã hội đã đạt thành quả lớn cùng với việc nước ta cơ bản chống dịch Covid-19 thành công. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ là sao cho đồng vốn ưu đãi vay đến tay doanh nghiệp cần, chứ không phải chỉ đáo nợ, đảo nợ, giúp đỡ ngân hàng là chính.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng
Gói đó để hỗ trợ doanh nghiệp bị tác động bởi dịch virus corona, món nợ của họ khó trả, gói đó để làm giảm lãi suất, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, cơ cấu lại tài sản trả nợ và không chuyển nhóm nợ, nếu họ không có khả năng trả nợ.
Các ngân hàng chủ yếu hỗ trợ doanh nghiệp đó trước để giảm lãi suất, cơ cấu thời hạn, kỳ hạn. Tuy nhiên, theo tinh thần của Chính phủ, gói ưu đãi trên cũng có phần dư nợ vay mới, nhưng cho đến giờ này thì chưa biết các ngân hàng cho vay mới bao nhiêu.
Chính phủ cần quy định bao nhiêu % cho vay mới ở gói kích thích kinh tế này để thấy được rõ giá trị gia tăng của dòng tiền đi vào nền kinh tế. Nếu không quy định, vốn sẽ chủ yếu để các ngân hàng tự cơ cấu lại dư nợ của mình, điều này cũng có lợi cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nó khiến làm lợi cho ngân hàng trước đã bởi khi ngân hàng không chuyển nhóm nợ, thì họ không phải trích lập dự phòng nợ xấu, họ không có nhiều nợ xấu trên sổ sách.
- Theo ông, có cần thiết phải thêm quy định về % vốn cho vay mới, cho từng loại hình doanh nghiệp, đặc biệt cần một ủy ban độc lập, giám sát hiệu quả của gói kích thích?
- Gói kích thích 300.000 tỷ đồng vốn vay ưu đãi là thời cơ lớn cho Việt Nam khắc phục thiệt hại. Đây là chi phí cơ hội nếu ta không tận dụng đúng, hiệu quả sẽ mất đi, sẽ chỉ bảo vệ doanh nghiệp lớn, hệ thống ngân hàng.
Covid-19 khiến 4 tháng qua doanh nghiệp ăn không ngon, ngủ không yên, tác động tiêu cực đến không chỉ ngay tức thì mà sẽ còn dài hơn do nguồn cung chưa khôi phục, thị trường trong nước yếu, xuất khẩu khó khăn... Lấy gì làm động lực sản xuất đây?
Tôi tán thành việc lập ủy ban giám sát độc lập về tính hiệu quả của chính sách, đồng tiền này hơn là việc cứ giao cho các ngân hàng thương mại để họ mặc sức làm thì dĩ nhiên họ sẽ làm có lợi nhất cho họ.
Nguyên tắc của hoạt động ngân hàng là sinh lời và bảo toàn đồng vốn, chính vì vậy đối tượng nào phù hợp nhất họ sẽ cho vay. Tôi nghĩ rằng, gói này không phủ nhận được, nhưng cần có tiêu chí cụ thể.
- Việt Nam may mắn hơn các nước là đại dịch không xảy ra diện rộng, và chúng ta còn nguyên cơ hội để vực dậy nền kinh tế. Hiện có hai trường phái, một là kỳ vọng vào lực phát triển đi cùng với chính sách, thứ 2 là lo ngại vì tác động lan tỏa của chính sách ở địa phương chưa cao, kinh tế có nguy cơ rơi vào thoái trào?
- Nền kinh tế không phải là công tắc điện, tắt tối, bật sáng ngay. Nền kinh tế của Việt Nam có thể sẽ chịu tác động suy giảm, không thể lạc quan quá được.
Điều thứ 2, nền kinh tế Việt Nam dựa rất nhiều vào xuất nhập khẩu, năm 2019 xuất nhập khẩu lên đến 547 tỷ USD, gấp 2 lần quy mô GDP. Hiện nay EU và Mỹ đang lao đao, co hẹp lại, ngay cả thị trường nhập khẩu, chuỗi cung ứng nguyên liệu cũng đứt gãy, Trung Quốc nhà phân phối nhiều nguyên liệu chưa trở lại bình thường được.
Xuất nhập khẩu giảm, khiến Việt Nam đang bị tác động rất mạnh bởi dịch cúm này. Chúng ta cần phải chuẩn bị đi vào giai đoạn tăng trưởng rất chậm, thậm chí không tăng trưởng năm 2020.
- Dễ nhận thấy, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ gia đình, tiểu thương chịu ảnh hưởng nặng nề, đóng cửa, trả mặt bằng. Ông có kiến nghị gì đến Chính phủ xây dựng cơ chế riêng cho đội ngũ này?
- Vấn đề của chúng ta hiện nay là làm sao duy trì được hoạt động của doanh nghiệp. Trong nền kinh tế thế giới hiện nay đang co cụm lại, chúng ta không duy trì phát triển mạnh như trước. Chúng ta cần bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ người lao động và phát triển nền kinh tế kỹ thuật số.
Hiện tại thì cần làm sao để doanh nghiệp nhỏ và vừa tồn tại được, nó chiếm tỷ lệ 97% tổng số doanh nghiệp Việt Nam. Nếu bị dịch bệnh tàn phá, chúng ta không còn khả năng mà phục hồi nữa.
Làm sao để bơm tiền cho họ, để làm sao họ đủ tiền trả tiền thuê mặt bằng, nuôi sống lao động, trả tiền cho nhà cung ứng, lệ phí hoặc thuế của Nhà nước. Theo tôi, Chính phủ cần có ngay một gói kích cầu riêng dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, có thể lên đến 150.000 tỷ đồng, tương đương 2% GDP Việt Nam là khoảng 6 tỷ USD.
- Giới chuyên gia nước ngoài đánh giá cao Việt Nam chống dịch và học hỏi kinh nghiệm chống dịch. Tuy nhiên, rất ít lời khuyên cho Việt Nam về hồi phục nền kinh tế và phát triển thời gian tới? Theo ông, nguyên nhân vì đâu?
- Đúng là các học giả và các tổ chức quốc tế có rất ít đánh giá về chính sách phát triển kinh tế trong và sau dịch Covid-19. Chủ yếu là do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hoặc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra kỳ vọng cho Việt Nam.
Thực sự tại thời điểm này, tất cả các nền kinh tế trên thế giới đang bị chao đảo. Thành ra không ai có thể có đánh giá tường tận được. Với độ mở lớn như hiện nay, nền kinh tế Việt Nam rất dễ bị tổn thương nếu nền kinh tế toàn cầu tiếp tục có xu hướng xấu đi.
Rất khó có dự báo nền kinh tế của Việt Nam sẽ ra sao, đi về đâu. Ngay cả bản thân tôi, cũng không dám đưa ra các dự báo. Chúng ta cần có chính sách, có cách nhìn nhận và lao vào làm để có kết quả tốt nhất thôi.
Vấn đề là triển vọng sáng hay bức tranh tối không quá quan trọng, mà ở việc hiện thực của chính sách và hiệu quả thực thi của cán bộ. Liệu rằng GDP có tăng trưởng được 6,8% hay chỉ 4,5%, thậm chí có thể đến ngưỡng tăng trưởng 0%, điều đó phụ thuộc rất nhiều yếu tố cả chủ quan, khách quan.
Tổng cầu thấp, năng lực sản xuất xuống thấp, thị trường xuất nhập khẩu chao đảo. Dịch bệnh tác động toàn diện đến nền kinh tế và thực sự nó có tác hại lâu dài nên chúng ta không thể chủ quan.
- Chính phủ có chính sách giãn thuế 180.000 tỷ đồng, mới đây có kế hoạch giảm 50% phí trước bạ xe hơi, miễn giảm thuế Tiêu thụ đặc biệt với xe hơi... Tuy nhiên, trong khi ngân sách khó khăn, kiều hối sẽ giảm nghiêm trọng, ngân khố quốc gia sẽ khiến Chính phủ đau đầu về bài toán thu chi?
- Tôi là người rất ủng hộ cắt, bỏ thuế vì nó sẽ khiến Việt Nam đi nhanh đến tự do hóa thị trường. Tuy nhiên, Việt Nam đã bội chi ngân sách lớn rồi mà tiếp tục giảm này, giảm kia sẽ áp lực rất lớn đối với cân đối ngân sách, buộc phải cắt giảm chi thường xuyên, tái cơ cấu bộ máy hành chính...
Về dài hạn, nếu giảm thuế phí, chắc chắn sẽ tốt cho kinh tế, đặc biệt kích thích tổng cầu, giảm áp lực chi phí sản xuất cho doanh nghiệp, từ đó giảm giá thành và tăng cạnh tranh được.
Tôi rất mong đợi Chính phủ điều chỉnh tăng trưởng GDP 6,8%, đây là mục tiêu khó có thể đạt được trong điều kiện hiện nay. Nếu tiếp tục giữ mục tiêu GDP như kể trên, các chính sách đi theo sẽ rất vất vả, thậm chí tạo tăng trưởng nóng, bong bóng.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Tuyền (thực hiện)