Đèo Mã Pí Lèng nằm trong Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, được UNESCO trao danh hiệu vào năm 2016.
Như Dân trí đã đưa tin, tỉnh Hà Giang đang thành lập đoàn kiểm tra các trình tự, thủ tục liên quan đến công trình 7 tầng có tên Mã Pì Lèng Panorama với chức năng tổng hợp nhà nghỉ, nhà hàng, cà phê…, “mọc” trên đèo Mã Pí Lèng (huyện Mèo Vạc, Hà Giang).
Đáng chú ý, theo phản ánh của một cơ quan báo chí, dù tòa nhà đồ sộ này đã chính thức đi vào hoạt động, kinh doanh thương mại và được xây dựng từ đầu năm 2018 nhưng chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng cũng như chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Trao đổi với PV Dân trí sáng 4/10, ông Nguyễn Thanh Giang - Phó trưởng Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn - xác nhận đèo Mã Pí Lèng thuộc khu vực công viên đang quản lý.
Cao nguyên đá này trải rộng trên 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang.
Sau đó, ông Giang từ chối nêu ý kiến về việc công trình 7 tầng “mọc” trên đèo Mã Pí Lèng có ảnh hưởng tới việc bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, giá trị vật chất, văn hóa... của công viên đang do ông quản lý hay không.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Trương Văn Quảng - Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - cho biết, ngoài việc được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia thì khu vực Mã Pì Lèng (hay còn gọi là Mã Pí Lèng) còn nằm trong Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, được UNESCO trao danh hiệu vào năm 2016.
Chính vì vậy, nơi đây phải tuân thủ theo quy định của quốc tế để bảo vệ giá trị cảnh quan của cao nguyên đá mang tính toàn cầu.
Theo Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, trong quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành không phép xây dựng tại đèo Mã Pí Lèng.
Theo ông Trương Văn Quảng, Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch, khai thác giá trị.
“Tất cả những công trình xây dựng trong khu vực này phải căn cứ vào quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Theo tôi được biết quy hoạch nơi đây không cho phép xây dựng tại đèo Mã Pí Lèng mà chủ yếu khai thác cảnh quan kết hợp du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm…” - ông Quảng nói.
Trước thông tin công trình đồ sộ được xây dựng giữa núi non hùng vĩ, ôm chặt bên hông đèo Mã Pí Lèng, ông Quảng nhận định công trình này sẽ phá vỡ cảnh quan, tổng thể phát triển du lịch và đặc biệt là không tuân thủ quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ.
“Để phát triển du lịch, có chăng nơi đây chỉ xây dựng công trình mang tính điểm nhìn, điểm dừng nhỏ thôi nhưng vẫn phải tôn vinh cảnh quan chứ không phải công trình đồ sộ như báo chí phản ánh” - ông Quang đánh giá.
Định hướng phát triển đèo Mã Pí Lèng là khu du lịch thể thao mạo hiểm
Theo Quyết định số số 2057/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du Khu du lịch Quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, định hướng phát triển nơi đây chủ yếu hình thành 5 phân khu du lịch chính:
1. Phân khu du lịch công viên văn hóa Thanh niên xung phong (thôn Xéo Sả Lủng, xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc): Phát triển trên cơ sở lấy tượng đài Thanh niên xung phong làm trung tâm và mở rộng các chức năng thành khu công viên văn hóa, tâm linh.
2. Phân khu du lịch thể thao mạo hiểm Mã Pì Lèng (thuộc hẻm vực Tu Sản): Phát triển du lịch thể thao mạo hiểm.
3. Phân khu du lịch lòng hồ thủy điện Thái An (thuộc xã Thái An, huyện Quản Bạ): Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hồ, thể thao, vui chơi giải trí mặt nước.
4. Phân khu du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe Quản Bạ (thuộc xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ): Phát triển du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe và khai thác các tiềm năng về dược liệu.
5. Phân khu du lịch sinh thái Nặm Đăm (thuộc xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ): Phát triển du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch sinh thái.
Nguyễn Trường - Thế Kha