Fica
  1. Thời sự

Công bố mới nhất: Người Việt thu nhập bình quân 2.779 USD/năm

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Năm 2020 quy mô kinh tế đạt 271,2 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.779 USD, trong khi con số đã báo trước đó là 268,4 tỷ USD và 2.750 USD (khoảng hơn 64 triệu đồng/người/năm).

Đây là báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 vừa được Chính phủ gửi Quốc hội ngày 22/3.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2020), căn cứ tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng và dự kiến khả năng thực hiện Quý IV năm 2020, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội.

Tại báo cáo này, Chính phủ khẳng định đã thực hiện tốt hơn các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2020 được Quốc hội giao, đạt và vượt 10/12 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, có thêm 2 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu là: Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 7% (số đã báo cáo là khoảng 1%); Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,88% (số đã báo cáo là 4,39).

Có 4 chỉ tiêu thực hiện tốt hơn so với số ước tính đã báo cáo Quốc hội là: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 2,91% (số đã báo cáo là khoảng 2-3%); Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân đạt 3,23% (số đã báo cáo là dưới 4%); Xuất siêu khoảng 20 tỷ USD, tương đương 7,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (số đã báo cáo là xuất siêu 7 tỷ USD, tương đương 2,6% tổng kim ngạch xuất khẩu); Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,85% (số đã báo cáo là 90,7%).

Đáng chú ý, trong báo cáo của Chính phủ nêu rõ: "Tăng trưởng kinh tế đạt kết quả tốt hơn, tốc độ tăng GDP đạt 2,91%, quy mô kinh tế đạt 271,2 tỷ USD, bình quân đầu người đạt 2.779 USD (số đã báo cáo tương ứng là 268,4 tỷ USD và 2.750 USD)".

Công bố mới nhất: Người Việt thu nhập bình quân 2.779 USD/năm - 1

Người Việt thu nhập bình quân 2.779 USD/năm (ảnh: VnEconomy).

Theo Chính phủ, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, CPI bình quân tăng 3,23%, đảm bảo các nhu cầu thanh khoản, ổn định và thông suốt thị trường tiền tệ, ngoại hối. Tăng trưởng tín dụng đảm bảo phù hợp với chỉ tiêu định hướng, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, đi đôi với chất lượng tín dụng, giảm lãi suất.

Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tập trung nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tích cực tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, hạn chế tác động tiêu cực của dịch bệnh, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.

Các cân đối lớn được bảo đảm, cải thiện tích cực hơn, đặc biệt, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 545,4 tỷ USD, tăng 5,35% (số đã báo cáo tương ứng là 527 tỷ USD, tăng 1,8%), trong đó xuất khẩu hàng hóa đạt 282,7 tỷ USD, tăng khoảng 7%, đạt mục tiêu đề ra (số đã báo cáo tương ứng là 267 tỷ USD, tăng khoảng 1,02%).

Nhập khẩu hàng hóa đạt 262,7 tỷ USD, tăng khoảng 3,67% (số đã báo cáo tương ứng là 260 tỷ USD, tăng khoảng 2,6%); thặng dư thương mại đạt khoảng 20 tỷ USD - mức cao nhất từ trước đến nay, xuất siêu năm thứ 5 liên tiếp. Cơ cấu sản phẩm xuất khẩu chuyển dịch tích cực, tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu qua chế biến trong tổng giá trị xuất khẩu đạt 85% và tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đạt 49,8%.

Trong năm 2020, Chính phủ đã cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh được thực hiện quyết liệt và đạt nhiều kết quả tích cực. Mô hình tăng trưởng dần chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, chất lượng tăng trưởng được nâng cao.

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng Chính phủ cho biết năm 2020 còn những tồn tại, hạn chế, bất cập: Tăng trưởng kinh tế còn chưa tương xứng với tiềm năng và chưa thực sự bền vững; năng lực cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế còn hạn chế; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu.

Tác động của đại dịch Covid-19 rất nghiêm trọng và trên tất cả các lĩnh vực do nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm, tính tự chủ và khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động bất thường của thế giới còn hạn chế.

Chính phủ cũng chỉ rõ, một số chủ trương, chính sách ứng phó với đại dịch, bảo đảm an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ phục hồi kinh tế đến nay đã hết hạn thực hiện; một số chính sách khác cần được nghiên cứu, điều chỉnh để phù hợp hơn với diễn biến thực tiễn của năm 2021.

Châu Như Quỳnh 

Tin liên quan