Fica
  1. Thời sự

CIEM: GDP giảm 0,03% nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia

Thảo Thu
Thảo Thu

Để tránh các tác dụng ngược khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, các chuyên gia cho rằng cần tính toán mức độ và lộ trình áp thuế phù hợp.

Hiện, mức thuế tiêu thụ đặc biệt với bia là 65%, rượu 35-65% tùy độ cồn dưới hay trên 20 độ. Theo dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), nhà chức trách đưa ra hai phương án tăng thuế với rượu, bia. Cụ thể, rượu từ 20 độ trở lên tăng theo lộ trình từ mức 65% hiện nay lên 90% hoặc 100% vào 2030. Mức thuế tối đa với rượu dưới 20 độ là 60% hoặc 70% trong giai đoạn 2026-2030.

Tương tự, thuế suất với bia tăng từ 65% hiện nay lên 90% hoặc 100% đến 2030.

TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM), tại hội thảo công bố “Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia”, cho biết cả 2 phương án Bộ Tài chính trình Quốc hội đều làm giảm giá trị tăng thêm của ngành bia, với mức giảm lần lượt là hơn 44.000 tỷ đồng và gần 62.000 tỷ đồng.

Nếu lấy kịch bản tăng trưởng mục tiêu của nền kinh tế là 6,5%, trong điều kiện bình thường, tăng thuế với bia khiến GDP trong 2 phương án giảm hơn 14.000 tỷ đồng và 32.000 tỷ đồng. Đồng thời, GDP cả nước giảm tương ứng 0,03% và 0,08%.

Ngoài 2 phương án mà Bộ Tài chính đưa ra, hồi tháng 7/2024, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát (VBA) đã gửi văn bản lên Bộ Tài chính, đề xuất lùi thời hạn tăng thuế tới năm 2027. Đồng thời, đơn vị này đề xuất tăng thuế ở mức 5% với lộ trình 2 năm một lần, đến 80% vào năm 2031 để phù hợp với bối cảnh kinh tế.

Bia chiếm 98,6% thị phần ngành đồ uống có cồn. Sabeco, Heineken Việt Nam, Habeco, Carlsberg là những doanh nghiệp nắm giữ gần 95% thị phần và tổng sản lượng ngành. Ngoài Heineken Việt Nam, Sabeco tăng trưởng âm về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận từ năm 2021. Còn với Habeco, năm ngoái lượng bán của doanh nghiệp này giảm 30% so với năm 2019, nộp ngân sách giảm 10% và phải cắt giảm 25% lao động.

PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng điều quan trọng nhất cần được các đại biểu Quốc hội cân nhắc là với một chính sách nào thì đảm bảo đạt được các mục tiêu đặt ra trên cơ sở đánh giá các tác động, từ đó có cách thức, phương án và lộ trình thực hiện phù hợp. 

Ông Long lưu ý tình hình hiện nay các doanh nghiệp rất khó khăn, phải hứng chịu tác động kép, nên cân nhắc thời điểm tăng thuế và giải pháp tổng thể chứ không chỉ trông chờ vào giải pháp tăng thu. “Ngành bia tạo ra nguồn thu ngân sách rất lớn, nên rất cần đánh giá thấu đáo các hệ lụy ảnh hưởng và các hậu quả lâu dài, tác động lan tỏa, đồng thời các tính tới việc kiểm soát được hàng lậu để tránh thất thu cho ngân sách Nhà nước và đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng”, ông Long nêu.

CIEM: GDP giảm 0,03% nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia - 1
Nhiều ý kiến xoay quanh việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia rượu (Ảnh: IT).

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn thuế, đồng tình quan điểm cần phải điều chỉnh tăng thuế để bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường, ngân sách, hạn chế mặt hàng…

Bà Cúc lưu ý không không quá kỳ vọng có thể giảm tiêu dùng mặt hàng này nhờ tăng thuế vì sẽ khó thay đổi hành vi tiêu dùng. Bà cho rằng cần có một phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt một cách hài hòa để đạt được các mục tiêu tăng thu ngân sách, mà vẫn bảo vệ được sức khỏe người tiêu dùng và hỗ trợ ổn định cho môi trường kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.

Bộ Tài chính - cơ quan soạn thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) giữ quan điểm tăng thuế với bia, rượu trên 20 độ lên tối đa 100% vào 2030. "Phương án này sẽ giảm tiêu dùng rượu, bia, cũng như các tác hại liên quan do việc lạm dụng đồ uống có cồn gây ra", Bộ Tài chính đánh giá.

Với lộ trình này, giá bia, rượu sẽ tăng 20% vào năm 2026 và thêm khoảng 2-3% mỗi năm tiếp theo. Mức này đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo lạm phát, thu nhập.

Mặt khác, ngân sách có thêm khoảng 10.700 tỷ đồng từ thuế tiêu thụ đặc biệt với bia. Mức này tăng khoảng 23% so với số dự kiến thu về trong năm 2025 (khi chưa điều chỉnh thuế). Từ 2027-2030, khoản thu thuế tăng thêm khoảng 3.500 tỷ đồng mỗi năm. Với rượu, thu thuế tăng thêm gần 230 tỷ đồng vào 2026 và gần 80 tỷ đồng mỗi năm sau đó.