Tiếp nối phần một của cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, báo Dân trí xin đưa tiếp phần hai cuộc trao đổi vị chuyên gia này về chủ đề đang được dư luận và người dân quan tâm là những thách thức, rủi ro và cơ hội của Việt Nam, cùng các nước trong ASEAN khi tham gia Hiệp định RCEP.
Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên Ban Nghiên cứu của cố Thủ tướng Phan Văn Khải
Thưa bà, nhiều người lo ngại, với vị thế cường quốc như Trung Quốc, RCEP có nguy cơ biến thành "sân sau" cho các rủi ro chuyển nợ, bẫy nợ hay mục tiêu hiện thực hóa chiến lược "vành đai, con đường", "chuỗi kim cương" của họ... Bà nghĩ sao về vấn đề này?
Bẫy nợ thì một loạt nước châu Phi đã gặp, trong khu vực ASEAN, Campuchia và Lào cũng đều gặp phải. Kinh tế luôn đi kèm với chính trị và lợi ích, các quốc gia ASEAN dù tự hào là nơi khởi xướng RCEP, đóng vai trò là trung tâm, trục của RCEP nhưng tôi lo ngại vị trí trung tâm này bởi thực tế sự cộng gộp sức mạnh của cả ASEAN mới sánh ngang được một nước lớn.
Chuyên gia Phạm Chi Lan: Tôi chỉ có một mong muốn các nước ASEAN đoàn kết, hợp tác, hòa nhập nhưng không hòa tan (Ảnh Hữu Nghị)
Vì vậy, một quốc gia đứng ngoài lợi ích chung của ASEAN mà bảo vệ được lợi ích riêng của mình nên cần một ASEAN đoàn kết, thống nhất để đảm bảo sức mạnh lớn nhất.
Bà có thể đưa ra lời khuyên gì cho các nước ASEAN trong cuộc chơi với các đối tác lớn và cần tính toán như thế nào để cân bằng lợi ích giữa các bên?
Chúng ta không thể đứng ở lợi ích của ai để đưa ra lời khuyên cụ thể và cũng không biết các nước ASEAN sẽ tính toán chiến lược gì để đưa ra lời khuyên cụ thể. Với tính chất là các nền kinh tế nhỏ, chỉ có đoàn kết mới đủ sức để bảo vệ các lợi ích của mình.
Đối với tham vọng và tiềm lực của các nước lớn, để ASEAN thực hiện được vai trò trung tâm, trục của RCEP là rất khó khăn, gian khổ. Vì vậy, ASEAN cần biết mình, biết người và cái biết dễ là cùng nhau hợp tác để đủ sức mạnh, chứ đừng quay lưng lại với nhau.
Một số nước trong khu vực thúc đẩy quá trình lẩn tránh xuất xứ, né thuế, vì thế, cơ chế của RCEP công nhận quy tắc xuất xứ chung cho các nước thành viên được coi là "môi trường" lý tưởng cho hoạt động này. Việt Nam cũng như các nước nhỏ trong khu vực có thể chịu hậu quả liên đới từ chính sách của các nước lớn?
Tôi cũng như nhiều người từng đặt vấn đề việc Việt Nam quá phụ thuộc vào nguyên liệu dệt may, da giày xuất khẩu, thậm chí hiện tượng này diễn ra ngay cả đối với ngành xuất khẩu trị giá chục tỷ USD như điện thoại.
Ngoài RCEP, chúng ta có thể liên hệ hai hiệp định mà Việt Nam vừa ký kết là EVFTA và CPTPP, các thị trường phát triển đều cam kết mở cho 90-99% các dòng thuế đối với hàng hóa của Việt Nam với điều kiện tuân thủ đúng yêu cầu về xuất xứ nguyên liệu.
Một loạt thị trường lớn đi kèm với điều kiện ngặt nghèo vừa là cơ hội, cũng là thách thức, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực tự xây dựng chuỗi giá trị, phát triển bền vững thay vì ăn xổi, dựa dẫm vào nước khác.
Nếu một số ngành mới, nếu trình độ phát triển thấp, chúng ta chấp nhận thời gian đầu nhập nguyên liệu, nhưng sau đó phải nỗ lực xây dựng chuỗi chứ không thể mãi phụ thuộc vào nguyên liệu nhập được.
RCEP như một chiếc bánh trông thì rất ngon, nhưng liệu chúng ta có ăn được nhiều không?
Theo tôi, cần tỉnh táo bởi quy tắc xuất xứ chung tưởng như cho mọi nước hưởng lợi nhưng nếu cứ bằng lòng với hiện tại nó dễ thành cách ru ngủ, và "bẫy" cho nhiều quốc gia khác.
Chúng ta đã thấy, rất nhiều nền kinh tế không mở cửa rộng, nhưng họ lại được "nhờ" bởi bán nguyên liệu cho các nước mở cửa rộng nhưng không biết cách làm nguyên liệu, linh kiện.
Với thị trường 2,2 tỷ dân, RCEP như "một chiếc bánh" trông thì rất ngon, nhưng liệu chúng ta có ăn được nhiều không, có chia cho Việt Nam nhiều hay không? Câu trả lời do chính sự linh hoạt, khéo léo và cả quyết tâm chính trị của chúng ta. Phải làm sao chúng ta ăn được như các nước, chứ không thể ăn cái vụn vặt được.
Đại dịch Covid-19 khiến thế giới và Việt Nam bừng tỉnh vì quá phụ thuộc vào nguyên liệu Trung Quốc để tái cấu trúc lại. RCEP xuất hiện, việc công nhận quy tắc xuất xứ chung, có thể dễ dàng cho doanh nghiệp, nhưng lại khiến áp lực tự chủ nguyên liệu của doanh nghiệp mất đi, điều này quả là không vui cho Việt Nam?
Chưa có RCEP, chúng ta đã có nhập siêu lớn từ Trung Quốc rồi, sau RCEP thì sẽ phức tạp hơn. Việt Nam phụ thuộc nhiều hay ít nguyên liệu nhập từ Trung Quốc, tất cả là do chúng ta. Nếu nghĩ đây là vấn đề chiến lược, sống còn thì chúng ta phải làm, không còn nhiều thời gian nữa đâu.
Bà Lan cảnh báo: Đừng thấy một RCEP dễ dãi về trước mắt mà chúng ta "tham bát bỏ mâm"
Việt Nam có hai Hiệp định EVFTA và CPTPP và các đối tác đòi hỏi cam kết rất cao nhưng cũng chính vì chơi với những người khó, thị trường khó chúng ta mới tiến bộ được. EVFTA, CPTPP đặt cho Việt Nam cơ hội tốt hơn nhiều và vì thế chúng ta phải cố gắng để thay đổi, để tái cấu trúc lại chính nền kinh tế của mình.
Hơn nữa, các nền kinh tế lớn trong EVFTA và CPTPP đều có nhu cầu tái cấu trúc lại kênh đầu tư, quan hệ thương mại, tránh phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Trong khi Việt Nam cũng đang mong muốn chuyển đổi công nghệ, kỹ thuật. Hai bên gặp nhau đúng ở một điểm nên đừng bỏ qua cơ hội này, quá trình này chỉ diễn ra trong khoảng 5 năm tới mà thôi.
Đừng thấy một RCEP dễ dãi về trước mắt mà chúng ta "tham bát bỏ mâm", để lại quay trở lại với cách làm cũ, tư duy cũ. Thời kỳ sau Đổi mới 1986, khá khó khăn, thôi làm gia công thì chấp nhận được, nhưng 30 năm rồi, không ai thể chấp nhận "kiếp gia công" mãi được, không ai làm gia công mà giàu lên được đâu.
Có RCEP, doanh nghiệp dễ an lòng, giảm áp lực chủ động nguyên liệu, đây là cái bẫy lớn cho một nền kinh tế tự cường trong một thế giới đầy biến động, khó lường (Ảnh Hữu Nghị)
Việt Nam mong muốn năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chúng ta sẽ trở thành nước thu nhập cao, nước giàu. Muốn vậy chúng ta phải "chơi với" các nước giàu, nước tiên tiến, công nghệ hiện đại, chơi với ở đâu là chúng ta học họ, làm cùng họ, cam kết chuyển giao công nghệ, kỹ thuật với họ, có như thế chúng ta mới đạt được mục tiêu đó.
Chuyển đổi số, Cách mạng công nghiệp 4.0 đã thay đổi mọi mặt, từ vật liệu, từ phương thức sản xuất, kết nối thương mại - thanh toán. Chúng ta cần đi nhanh, phá rào để đi cùng các dân tộc tiên phong để ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ, giảm sử dụng nguyên vật liệu cũ, lối sản xuất cũ thưa bà?
Thế giới hiện đã thay đổi nhanh chóng, tầm quan trọng nhất hiện nay không còn là nguồn nguyên liệu nữa mà là công nghệ, là quản trị, tư duy. Cái gì Trung Quốc làm được, Ấn Độ cũng có, Indonesia, Nga và Hàn Quốc cũng đều có, chứng ta cứ mãi quen với cái cũ mà không chịu đa dạng hóa nguồn cung, điều đó khiến chúng ta không thay đổi được tư duy, không thay đổi được cách người Việt tiếp cận được thế giới, đánh giá đúng về họ.
Trung Quốc thực ra không phải là đất nước có nguồn nguyên liệu nhiều, Việt Nam nhập của họ chủ yếu là linh kiện, nguyên vật liệu công nghiệp đã qua chế biến, sản xuất.
Người Nhật đã nói rất nhiều với Việt Nam là trước khi muốn làm công nghiệp, phải tạo dựng vật liệu, xây dựng doanh nghiệp phụ trợ. Chúng ta đã làm nhưng chưa đến nơi, đến chốn. Gần đây trong bài viết cho báo chí Việt Nam, giáo sư Trần Văn Thọ, Việt kiều nổi tiếng tại Nhật đã khuyên Việt Nam phải phát triển nhiều sản phẩm trung gian, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ phụ trợ. Đây là mong mỏi, là khát vọng của cả chúng tôi nữa.
Nền kinh tế của Việt Nam chuyển đổi mau lẹ sau đổi mới và hội nhập, song bức tranh tối vẫn còn đó như khu vực doanh nghiệp Nhà nước chậm thay đổi, nông nghiệp, nông dân và nông thôn vẫn là nơi dễ tổn thương nhất. Bà có bình luận gì về vấn đề này?
Tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước sau nhiều năm vẫn dang dở, chúng ta vẫn chỉ loay hoay mãi với cách thức mà không biết động lực chính là con người, đòi hỏi chính là sự vươn lên của dân tộc. Việt Nam dường như rất hào hứng với hội nhập, nhưng lại rất ít hào hứng để chuẩn bị cho cạnh tranh, cho tự do hóa.
Doanh nghiệp đem hết của ngon vật lạ để xuất khẩu, vô tình đã bỏ thị trường trong nước, bỏ người tiêu dùng Việt ở đằng sau.
Khu vực nông nghiệp đang là chuỗi mắt xích yếu nhất của nền kinh tế dù Việt Nam có khí hậu, đất đai rất thuận lợi cho mọi loại cây trái. Không ai nghĩ một đất nước xuất khẩu hàng tỷ USD nông sản mà không thương mại hóa được một giống gạo ngon, vẫn chủ yếu xuất khẩu bằng số lượng, bù đắp chất lượng.
Trong khi đó, bộ phận thế hệ trẻ Việt vẫn ở tình trạng thiếu dinh dưỡng. Các loại của ngon vật lạ đều được xuất khẩu đi hết, trong khi ở thị trường trong nước không đảm bảo chất lượng, an toàn. Doanh nghiệp đem hết của ngon vật lạ để xuất khẩu, vô tình đã bỏ thị trường trong nước, bỏ người tiêu dùng Việt ở phía sau.
Lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phát triển thiếu quy hoạch, thiếu bền vững, ô nhiễm là cách thức nhân loại đã trải qua hàng chục, hàng trăm năm trước, nhưng chúng ta hội nhập, biết rõ nhưng không đưa ra chính sách để thay đổi, tránh đường.
Chất lượng dinh dưỡng, chất lượng bữa ăn, chất lượng của con người hôm nay là giống nòi là, sức khỏe của một đất nước, một dân tộc. Chừng nào chúng ta đưa ra và thực thi được các tiêu chuẩn an toàn cao, chừng ấy đất nước mới vững mạnh, con người Việt Nam mới trường tồn.
Trân trọng cảm ơn bà vì cuộc trao đổi!
Nguyễn Tuyền (Thực hiện)
Ảnh và video: Hữu Nghị