Theo ông Nguyễn Xuân Thành, tăng trưởng kinh tế toàn cầu quý 1 xấu. Tuy nhiên quý 2 lại càng xấu hơn ở tất cả các nền kinh tế, ngoại trừ Trung Quốc và Việt Nam vẫn có tăng trưởng dương. Điều này ảnh hưởng đến kinh tế đối ngoại ở Việt Nam, đặc biệt là vấn đề xuất khẩu.
Mỹ và Anh tăng trưởng suy giảm nặng trong quý 2; khu vực ASEAN cũng suy giảm khá nặng nề. Ba nền kinh tế có thu nhập cao là Thái Lan, Malaysia và Singapore đều có tăng trưởng âm lần lượt 12,22, 17,1 và 13,2%. EU và khu vực ASEAN đang kéo xuất khẩu Việt Nam xuống nhưng được bù lại bởi xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc.
Ông Nguyễn Xuân Thành chia sẻ về tình hình nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua.
Cũng theo ông Thành, tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn xấu trong quý 3 và quý 4/2020. Đến năm 2021, nền kinh tế sẽ phục hồi nhờ các phản ứng chính sách khá tích cực ở hầu hết các nước trong thời gian qua. Thế nhưng, không có nghĩa sẽ trở lại bình thường, vì tốc độ tăng trưởng sẽ bù đắp lại một phần sự suy giảm của năm 2020.
“Ngoại trừ Trung Quốc và Việt Nam, các nước khác đều bơm mạnh tiền ra nền kinh tế, hầu hết đều giảm thuế và tăng chi. Khoảng 11.000 tỷ USD đã được các Chính phủ đưa ra từ phía tài khóa để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp. Chính sách này sẽ đảm bảo cho khả năng hồi phục kinh tế trong năm 2021 khi đại dịch được kiểm soát…”, ông Thanh cho hay.
Theo giảng viên đại học Fulbright Việt Nam, ở Việt Nam dự báo tăng trưởng kinh tế lạc quan nhất ở mức 2%. Tuy nhiên, khả năng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021 sẽ rất cao.
Cụ thể, từ quý 2/2021 nền kinh tế sẽ phục hồi với hai điều kiện. Đầu tiên là kiểm soát được Covid-19 và khả năng vacxin có được ở Việt Nam vào giữa năm 2021. Thứ hai, cho dù tỷ lệ thất nghiệp và nợ xấu tăng cao, nhưng hệ thống ngân hàng vẫn có thể đứng vững.
Ông Thành cho rằng, Chính phủ khá tự tin đảm bảo tăng trưởng 4%, nhưng với đợt bùng phát dịch vừa rồi thì dự báo tăng trưởng quý 3 sẽ xấu. Nếu giải ngân vốn đầu tư công tạo nên cú huých mạnh thì tăng trưởng sẽ ở mức lạc quan là 2%. Hiện nay tăng trưởng ở tất cả các lĩnh vực đang giảm.
Trong đó, nhà hàng, khách sạn và vận tải là những ngành dịch vụ bị suy giảm mạnh. Riêng lĩnh vực nhà hàng khách sạn giảm 20,7% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, ở phía cầu của nền kinh tế trong năm 2020, dù kiểm soát khá tốt Covid-19, các hoạt động kinh tế không bị gián đoạn nhưng sức mua vẫn yếu.
Cho đến thời điểm hiện tại, sức mua mới bị gián đoạn vòng 1 vì giãn cách xã hội người dân không có cơ hội mua sắm. Đến quý 3 sẽ là thời điểm sức mua thị tường bị sụt giảm do thu nhập của người lao động giảm. Sức mua giảm này sẽ kéo dài đến quý 1/2021.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp trong quý 1/2020 là 2,22%, bước sang quý 2 tăng vọt lên 2,73%.
“Dù vậy, vẫn có những tín hiệu tích cực. Xuất khẩu Việt Nam không giảm mà tăng 0,2% trong sáu tháng đầu năm. Xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc không giảm mà còn tăng. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu điện tử, chế tạo máy tăng cao. Điều này thể hiện xu hướng dịch chuyển do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Hoạt động sản xuất công nghiệp chuyển từ các nước vẫn bị xáo trộn bởi Covid-19 sang Việt Nam”, ông Thành phát biểu.
Nền kinh tế Việt Nam được đánh giá sẽ phục hồi và tăng trưởng trong quý 2/2021
Ông Thành đánh giá, khác với những lần khủng hoảng trước, ổn định vĩ mô vẫn được duy trì. Tuy nhiên, nợ xấu ngân hàng, lạm phát sau khi giảm liên tục trong tháng 6 có tăng, chỉ số giá vẫn giảm so với cuối năm 2019.
Về tỷ giá, chỉ có một lần bất ổn vào tháng 3. Trong những tháng gần đây, đồng USD đã giảm mạnh so với các đồng tiền khác. Đồng tiền Việt Nam lên giá khoảng 1,3% so với đô la Mỹ.
Về giải ngân vốn đầu tư công, đây là một ưu tiên chính sách của Nhà nước trong thời điểm này. Đầu tư từ ngân sách dự kiến tăng khoảng 20%, giúp GDP tăng lên 2%.
Quế Sơn