Fica
  1. Thời sự

Chuyên gia hiến kế phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam

Thế Hưng
Thế Hưng

Việt Nam cần làm gì để có thể phát triển năng lượng bền vững, đảm bảo đủ năng lượng và giảm thiểu phát thải? Các chuyên gia quốc tế đã đưa ra các nhóm giải pháp để trả lời cho câu hỏi này tại Hội nghị cấp cao của Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG) lần thứ 2 do VEPG tổ chức ngày 26/11, tại Hà Nội.

Chia sẻ quan điểm của mình, ông Bruno Angelet, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho rằng: “Có 3 điểm quan trọng để Việt Nam có thể tăng cường được nguồn cung năng lượng mà vẫn đảm bảo môi trường. Thứ nhất phải kể đến vai trò đầu tư tư nhân, thứ hay là điện mặt trời đấu nối mái nhà, thứ ba là chuyển đổi cơ cấu năng lượng hợp lý.” 

 

“Hiện nay, giá điện mặt trời, điện gió được đưa ra đã thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm phát triển hạ tầng tại VN. Nhưng các mối quan tâm này vẫn chưa được hiện thực hóa thành các nguồn đầu tư, lý do là còn thiếu các yếu tố đảm bảo về mặt pháp lý. Đây là ưu tiên hàng đầu”, Đại sứ cho biết thêm.

Thứ hai, người dân có thể tăng cường nguồn cung năng lượng tái tạo bằng điện mặt trời lắp mái, kết nối và cung cấp lớn cho hệ thống lưới điện. Do vậy, cần có quy định điều chỉnh, cơ chế bù trừ điện năng để điều chỉnh năng lượng người dân cung cấp, hướng tới triển khai toàn quốc. 

Thứ ba là về cơ cấu nguồn điện cho Việt Nam. Việt Nam muốn chuyển đổi từ “nâu sang xanh” thì phải làm từ từ, không thể làm nhanh được; cần có 1 cơ cấu năng lượng phù hợp thay đổi dần dần, dùng nhiên liệu khí và các dạng năng lượng khác để giảm dần năng lượng từ than.Trong tương lai, cần có chiến lược chuyển đổi thực tiễn và toàn diện.  

“Với những khuyến nghị này, Liên minh châu ÂU cam kết hỗ trợ Việt Nam chuyển dịch sang năng lượng sạch, đồng thời đảm bảo người dân tiếp cận năng lượng có giá hợp lý và đảm bảo năng lực cạnh tranh của Việt Nam”, Đại sứ Bruno Angelet nói.  

Cũng theo Giám đốc Quốc gia Việt Nam (Ngân hàng Thế giới) Ousmane Dione: “Chúng tôi cam kết giúp đỡ Việt Nam đem đến năng lượng bền vững, sạch và đáng tin cậy với giá cả phải chăng cho tất cả mọi người, bao gồm cả các tư vấn kỹ thuật và chính sách, viện trợ đầu tư trực tiếp, các đảm bảo và biện pháp giảm thiểu rủi ro, hỗ trợ cải cách chính sách, cải thiện an ninh năng lượng.”

Ông Ousmane Dione cho rằng, trong giai đoạn 25 năm qua, đã có hàng trục triệu người dân cả nước được kết nối lưới điện. Tuy nhiên, thách thức của ngành điện trong thời gian tới là rất lớn, phải làm rất nhiều việc để có thể cung cấp đủ điện, điện sạch, giá thành hợp lý... Vậy làm thế nào để đáp ứng mục tiêu này? 

Có 5 giải pháp mà Việt Nam cần triển khai song song, gồm: phát triển điện năng lượng tái tạo; thúc đẩy tiết kiệm năng lượng; thúc đẩy phát triển năng lượng từ khí; trao đổi mua bán điện năng với phía Lào và khu vực phía Nam củaTrung Quốc; và cuối cùng là cải cách ngành điện.  

Nguồn vốn ODA và ngân sách nhà nước là không thể đảm bảo cho nhu cầu đầu tư lớn của ngành điện. Do vậy, chúng tôi hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm và huy động nhiều hơn tài chính tư nhân: giúp các doanh nghiệpn nhà nước  ngành điện, khí tiếp cận vốn qua phát hành trái phiếu quốc tế; hỗ trợ cải cách ngân hàng để tận dụng tính sẵn có của nguồn nội tệ, ông Ousmane Dione cũng cho biết thêm. 

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An khẳng định: “Chúng tôi chính thức thông qua các khuyến nghị chính sách và cam kết thực hiện những khuyến nghị này, đồng thời đảm bảo lồng ghép những nội dung này trong quá trình xây dựng chính sách và lập kế hoạch phát triển ngành năng lượng trong thời gian sắp tới”. 

Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, Việt Nam đã ghi nhận khoảng 40 khuyến nghị chính sách quan trọng được đề xuất bởi các Nhóm Công tác kỹ thuật của VEPG. Các khuyến nghị này được đánh giá là phù hợp và hữu ích cho việc thảo luận xây dựng chính sách ngành năng lượng của Việt Nam hiện nay. 

Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam được thành lập vào tháng 6/2017 nhằm kết nối và phối hợp hiệu quả hỗ trợ quốc tế cho ngành năng lượng Việt Nam. 

Mục tiêu của Nhóm là hướng đến sử dụng năng lượng hiệu quả hỗ trợ quốc tế cho phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc gia và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên tham gia. 

Nhóm đối tác này tập trung và 5 lĩnh vực ưu tiên: Năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, tái cấu trúc năng lượng, tiếp cận năng lượng, dữ liệu & thống kê năng lượng.

Thế Hưng