Tại hội thảo về cải cách môi trường kinh doanh do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa tổ chức, nhiều chuyên gia trong nước đã đánh giá quá trình cải cách thời gian qua, đồng thời nêu những khó khăn hiện tại.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết đến nay đã gửi 2 văn bản tới Chính phủ, bộ ngành để kiến nghị về các giải pháp phục hồi sản xuất kinh doanh.
ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam |
Nếu việc ưu tiên chống dịch Covid-19 là số một thì cải cách môi trường kinh doanh phải là ưu tiên số 2."Muốn phục hồi sản xuất để một ngành hàng không bị "chết yểu, đứt gãy", việc cải cách hành chính, kinh doanh chiếm tỷ trọng lớn, chỉ sau vấn đề vắc xin", ông Nam nói.
Tại Hội nghị, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI), nhìn nhận Việt Nam đã có nhiều chương trình cải cách điều kiện kinh doanh diễn ra quy mô lớn và kết quả đã có hàng nghìn điều kiện kinh doanh được bỏ, thay đổi, chuẩn hoá.
Ngoài ra, việc nâng cấp môi trường kinh doanh của Việt Nam gắn liền với loạt Nghị quyết 19, Nghị quyết 02 gắn mục tiêu đưa Việt Nam vào tốp 4 nước ASEAN... đã và đang thực hiện hiệu quả.
Trưởng Ban pháp chế VCCI cho rằng xu hướng cải cách này cần phải được tiếp tục duy trì, đẩy mạnh, dù trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam |
Ông Tuấn cho rằng: Dù vậy, thời gian qua, vẫn xảy ra tình trạng kế hoạch, chương trình hành động nào cũng hay, những ngôn từ đẹp nhất đều được sử dụng nhưng trên thực tế là nhà đầu tư, doanh nghiệp có được thụ hưởng trực tiếp hay không thì có sự khác biệt lớn giữa trên giấy tờ và thực tiễn". Đại diện VCCI cho rằng chất lượng thực thi cải cách mới là thước đo cuối cùng của thành quả cải cách.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện CIEM, cho rằng chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, cá nhân ông thấy rằng còn nhiều việc chưa làm được.
Cụ thể, một số bộ trưởng, lãnh đạo địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm đến cải cách. Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, quá trình cải cách cũng có sự trùng xuống.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện CIEM |
Ông Cung cho rằng, cải cách cần cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm, đẩy mạnh Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Nguyên Viện trưởng Viện CIEM cho rằng, mục tiêu cắt giảm 1/3 danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện - đây là dư địa có thể làm được trong giai đoạn tới, để Việt Nam có được thứ hạng cao hơn trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của thế giới.
Theo ông Cung, hiện địa phương nào cũng có hệ sinh thái nhưng không có đội ngũ đông đảo người khởi nghiệp cũng như quá trình thu hút vốn vào khởi nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
"Chúng ta cần phải dứt khoát, mạnh dạn bỏ các thủ tục hành chính để thu hút vốn đầu tư vào khởi nghiệp, sáng tạo. Từ đó, khuyến khích các doanh nghiệp trong lĩnh vực này phát triển hơn nữa", ông Cung nói.
An Linh