Theo Bộ GTVT, việc chuyển đổi hình thức đầu tư của 8 dự án cao tốc Bắc - Nam từ hình thức PPP sang đầu tư công sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ cầu cho tăng trưởng GDP của nền kinh tế.
Tính đến thời điểm hiện tại, công tác thiết kế kỹ thuật, dự toán của các dự án đã cơ bản hoàn thành, công tác giải phóng mặt bằng đạt trên 70%.
Theo nhận định của các chuyên gia BVSC, nếu các dự án được chuyển đổi sang đầu tư công thì sẽ là điều kiện thuận lợi để dự án có thể thực hiện ngay trong năm 2020.
Việc triển khai dự án được sớm sẽ đem lại nhiều tác động tích cực đến kinh tế trong năm 2020 khi đang gặp nhiều khó khăn bởi dịch Covid-19.
Ngoài ra, việc triển khai dự án sớm cũng giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí, trong đó là chi phí lãi vay trong giai đoạn xây dựng và giảm chi phí dự phòng trượt giá do đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Tổng mức đầu tư sau khi được nhận điều chỉnh là khoảng 99.493 tỷ đồng, giảm 19.223 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt tại Nghị quyết 52 (118.716 tỷ đồng).
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế lại đánh giá chỉ nên chuyển những dự án chưa có nhà đầu tư chứ không nên chuyển hết cả 8 dự án sang hình thức đầu tư công. Nguyên nhân là việc liên tục hủy sơ tuyển các dự án sẽ ảnh không tốt đến uy tín Nhà nước và tâm lý nhà đầu tư.
Ngoài ra, việc bổ sung hơn 44.000 tỷ đồng (tương đương 80,89% tổng số vốn kế hoạch) cho dự án trong giai đoạn 2021-2025 là không phù hợp.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, NHNN ủng hộ đề xuất trên khi các nhà đầu tư vượt qua vòng sơ tuyển của 8 dự án PPP đều là các nhà thầu, có năng lực về thi công nhưng năng lực tài chính còn hạn chế.
Việc vay ngân hàng 5.000-10.000 tỷ đồng cho các dự án cao tốc Bắc Nam sẽ gặp nhiều khó khăn khi các dự án BOT trước đây có rất nhiều dự án gặp khó khăn. Khoảng 53.000 tỷ đồng cho vay BOT trước đây có khả năng trở thành nợ xấu nên các Ngân hàng sẽ rất thận trọng khi cho vay mới.
BVSC đánh giá, rõ ràng việc đẩy mạnh đầu tư công trong năm 2020 là rất cần thiết nhằm duy trì đà tăng trưởng GDP trong năm 2020 khi bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cả 8 dự án sang hình thức đầu tư công cần đánh giá kỹ hơn về các ảnh hưởng.
Đầu tư cả theo phương thức PPP hay đầu tư công đều có các mặt ưu và nhược điểm, nhưng quan trọng nhất vẫn là kiểm soát chất lượng dự án để tránh sử dụng lãng phí nguồn vốn.
Nếu các dự án đầu tư công được đẩy mạnh, những doanh nghiệp xây dựng và sản xuất nguyên vật liệu xây dựng sẽ được hưởng lợi. Cụ thể, các doanh nghiệp sản xuất nhựa đường, thép xây dựng, xi măng hay đá xây dựng sẽ có tác động trực tiếp nhất...
Mai Chi