16 năm thăng trầm
Năm 2004, theo đề nghị của Chủ tịch VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 13/10 - ngày Bác Hồ gửi thư cho giới công thương làm Ngày Doanh nhân Việt Nam.
Trò chuyện với phóng viên Dân trí, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI kể lại: Trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung trước đây, doanh nhân bị coi là “con buôn, con phe”, là "đối tượng" của các cuộc cải tạo công thương nghiệp.
Đến công cuộc Đổi Mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo bắt đầu từ Đại hội VI (năm 1986) đã đánh dấu sự "hồi sinh" của đội ngũ doanh nhân Việt.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, thời gian qua chúng ta đã chứng kiến những bước thăng trầm mạnh mẽ của doanh nhân Việt.
Còn nhớ thời điểm hồi đầu những năm 2000, chúng tôi phát hiện rằng trong từ điển tiếng việt thời hiện đại không có 2 chữ doanh nhân.
Sau này, tôi được xem tấm ảnh chụp Bác Hồ gặp giới công thương Hà Nội sau hai tuần đọc tuyên ngôn độc lập, ngày 18/9/1945. Ngày 13/10, khi giới doanh nhân tập hợp lại thành lập Công thương cứu quốc đoàn và gia nhập mặt trận Việt Minh, Bác đã viết thư động viên, cổ vũ.
Bức thư của Bác đã trở thành tuyên ngôn đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta về vai trò và sứ mệnh của doanh nhân và cũng là lời kêu gọi thi đua ái quốc đầu tiên Bác dành cho giới doanh nhân. Bác đặt trọn niềm tin ở doanh nhân. Bác coi sự nghiệp của doanh nhân là sự nghiệp của đất nước.
Đến năm 2011, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về xây dựng đội ngũ doanh nhân. Năm 2013, doanh nghiệp doanh nhân được Quốc hội hiến định trong Hiến pháp.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Kinh tế tư nhân đang phát triển rất tốt, phải công bằng, phải xoá bỏ mọi kỳ thị, định kiến với kinh tế tư nhân, phong tặng danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân làm ăn giỏi.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng: Doanh nghiệp, doanh nhân là động lực của nền kinh tế và khẳng định Chính phủ sẽ luôn đồng hành với doanh nghiệp, doanh nhân.
Những thông điệp như vậy làm doanh nghiệp ấm lòng…
Doanh nghiệp còn mất nhiều thời gian cho thủ tục
Suốt một hành trình dài gắn bó với những thăng trầm của cộng đồng doanh nghiệp, điều gì khiến ông còn trăn trở?
Ông Vũ Tiến Lộc: Mặc dù có cải thiện hơn nhiều so với trước nhưng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn tương đối vất vả so với những nước có môi trường kinh doanh toàn diện, thuận lợi, minh bạch hơn.
Trong một môi trường thể chế còn chưa hoàn thiện, thủ tục hành chính nhiều nơi vẫn còn phiền hà, chính sách trong một số lĩnh vực còn chồng chéo. Nỗi nhọc nhằn của doanh nhân là cùng một lúc phải đối phó với cả thể chế lẫn thương trường.
Có doanh nhân nói với tôi rằng, họ đã phải mất tới 1/3 quỹ thời gian để giải quyết các vấn đề về thủ tục và quan hệ, không thể toàn tâm toàn ý lo bài toán thương trường, chăm lo quản trị và công nghệ.
Làm sao để xây dựng môi trường kinh doanh mà ở đó, các doanh nghiệp chỉ phải tập trung đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt trên thương trường chứ không còn nỗi lo về thủ tục hành chính nhiêu khê, rườm rà, chi phí không chính thức… là điều tôi trăn trở.
Trải qua hơn 3 thập kỷ hồi sinh, chúng ta vui mừng vì đã có một cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp phát triển nhanh, nhưng chúng ta cũng chưa thể hài lòng vì cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt tuy đã đông nhưng còn chưa đủ mạnh.
Việt Nam đã có những tỷ phú đô la đầu tiên và không ít doanh nghiệp và thương hiệu của doanh nghiệp Việt được thế giới biết đến, nhưng chúng ta chưa có được cả một thế hệ các nhà doanh nghiệp và các thương hiệu sánh vai với các nền kinh tế hàng đầu trong khu vực.
Nhiều “đại gia” của chúng ta cho tới nay chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản và xây dựng… Số làm công nghiệp - công nghệ "made in Viet Nam", "Made by Viet Nam" chưa nhiều.
Hầu hết doanh nghiệp Việt có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nền tảng quản trị, công nghệ, văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội của nhiều doanh nghiệp chưa cao. Hộ kinh doanh cá thể vẫn là chủ thể phổ biến, chiếm tới 88% tổng số các chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế.
Năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam vẫn xếp ở thứ hạng thấp trong khu vực.
Cơ hội kinh doanh ở Việt Nam rất lớn
Chịu tác động lớn từ Covid-19, trong 9 tháng năm 2020, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm, số doanh nghiệp rút lui tăng cao. Điều này có khiến ông lo ngại?
-Việt Nam và thế giới đang trải qua cơn đại dịch thế kỷ mang tên Covid-19. Một thử thách khốc liệt chưa từng có trong tiền lệ, các doanh nghiệp của chúng ta bị tác động rất nặng nề.
Tuy nhiên, tôi tin rằng số doanh nghiệp đăng ký mới giảm, số doanh nghiệp rút lui tăng dù có là điều đáng lo ngại nhưng sẽ chỉ là xu thế ngắn hạn. Thực ra cơ hội kinh doanh ở Việt Nam rất lớn, không phải nước nào cũng được như vậy đâu. Chúng ta còn nhiều dư địa cho tăng trưởng khi gỡ được các nút thắt về thể chế.
Theo kết quả của cuộc khảo sát mới nhất mà VCCI thực hiện thì có tới 72,8 % doanh nghiệp Việt cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất trong quý IV, chỉ có 17,3 % có kế hoạch phải thu hẹp, tạm ngừng hoặc giải thể. Kết quả đó là thấp hơn nhiều so với các năm trước, nhưng là tích cực trong bối cảnh có nhiều sóng gió hiện nay.
Tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể là 8%, là 9% nếu...
Ông có kỳ vọng gì về chặng đường phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt trong thời gian tới? Điều gì sẽ tạo nên sức bật lớn lao cho họ?
-Thực tế, dù đã có rất nhiều nỗ lực nhưng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia của chúng ta vẫn chưa lọt được vào top 3, top 4 của ASEAN như kỳ vọng.
Thứ hạng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam mới dừng lại ở mức 67 - 70 trong tương quan so sánh với nền kinh tế trong bảng xếp hạng toàn cầu.
Thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực vẫn còn phiền hà, các quy định pháp luật còn chồng chéo, chất lượng dịch vụ công chưa cao, công tác giáo dục nguồn nhân lực còn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển...
Dư địa cho tăng trưởng của chúng ta còn lớn. Khi Việt Nam được gỡ nút thắt theo đúng phương hướng Đảng và Nhà nước đề ra sẽ tạo cơ hội mới vô cùng lớn cho tăng trưởng. Tôi đã từng nói, tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể là 8%, là 9%.
Đất nước ta đã có hàng triệu doanh nhân, đang đứng mũi, chịu sào gần 800 ngàn doanh nghiệp, 5,4 triệu hộ kinh doanh. Họ là lực lượng chủ công, xung kích trong công cuộc thoát nghèo vĩ đại, đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, bị tàn phá bởi chiến tranh, trở thành một nước có thu nhập trung bình và đang vững vàng hội nhập.
Việt Nam cũng được thế giới ghi nhận như một mẫu hình chuyển đổi thành công từ kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế thị trường vì lợi ích của người dân.
Dù nền kinh tế thế giới theo dự báo sẽ không dễ dàng hồi phục, việc đẩy lùi suy giảm kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng sẽ còn một hành trình gian nan, nhưng những thành quả bước đầu chúng ta đạt được rất đáng được ghi nhận.
Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế được duy trì, an sinh xã hội được bảo đảm. Trong thời Covid, một năng lực cạnh tranh cốt lõi mang tinh thần Việt lại được khơi dậy: đó là khả năng thích ứng và chống chịu, sự cố kết vững chắc của cả hệ thống chính trị mỗi lúc đất nước lâm vào hoàn cảnh khó khăn.
Việt Nam vẫn đang là ngôi sao hy vọng, một địa điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư theo làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu trong một thế giới đầy sóng gió.
Đại sứ Nhật Bản nói với tôi rằng: dù còn một số vướng mắc về chính sách và thủ tục hành chính nhưng cộng đồng doanh nghiệp Nhật vẫn đặt niềm tin vào các cơ hội đầu tư kinh doanh của Việt Nam.
Tháng trước, trong số 30 doanh nghiệp Nhật Bản đã xin hỗ trợ của Chính phủ để chuyển dịch các chuỗi cung ứng từ Trung Quốc về Nhật Bản hoặc sang một nước thứ 3 thì có tới 15 doanh nghiệp (50%) đã chọn Việt Nam.
Tổng giám đốc Samsung của Việt Nam cũng cho biết Samsung đang đẩy nhanh tốc độ triển khai xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) lớn nhất của Đông Nam Á tại Việt Nam.
Đại sứ Hoa Kỳ cũng cho biết: doanh nghiệp Hoa Kỳ đang quan tâm tới các dự án lớn về cơ sở hạ tầng, năng lượng xanh, kinh tế số tại Việt Nam... Một làn sóng đầu tư quốc tế chất lượng cao vào Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ khởi động.
Hãy phong doanh nhân là dũng sỹ nếu tạo được một vạn việc làm
Nhân Ngày doanh nhân Việt Nam 2013, ông có kiến nghị dành cho cộng đồng doanh nghiệp và dành thông điệp gì tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam?
-Trước những dịch chuyển địa chính trị, địa kinh tế, những diễn biến bất thường của dịch bệnh và biến đổi khí hậu, dưới tác động của cuộc cách mạng 4.0 với các trào lưu tự động hoá, trí tuệ nhân tạo… việc bảo đảm công ăn việc làm cho hàng chục triệu người lao động với tay nghề và kỹ năng còn chưa cao sẽ là một trong những thách thức hàng đầu cho cả hệ thống chính trị của nước ta trong thời gian tới.
Vì vậy, tôi tha thiết đề nghị một kiến nghị mà tôi đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương tại Hội nghị thi đua yêu nước khối doanh nghiệp năm 2016 là: nếu doanh nghiệp có thể tạo 10 việc làm đàng hoàng, thì cấp xã nên ghi nhận; tạo một trăm việc làm huyện sẽ tôn vinh; tạo một ngàn việc làm, tỉnh tôn vinh, ghi nhân; tạo một vạn việc làm đàng hoàng Chính phủ tôn vinh họ là Dũng sỹ, Anh hùng… Tất nhiên là với điều kiện doanh nghiệp phải tuân thủ pháp luật và thực hiện đầy đủ các chuẩn mực và nghĩa vụ kinh doanh khác.
Đối với các doanh nghiệp, tôi mong rằng các doanh nghiệp dù ở quy mô nào, dù lớn - bé - nhỏ - vừa đều phải hướng tới những chuẩn mực quốc tế đổi mới, sáng tạo, phát triển bền vững, bao trùm và kinh doanh có trách nhiệm hơn.
Những chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu, trước tác động của những công cuộc hội nhập đỉnh cao như CPTPP, EVFTA…, cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0 và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và những diễn biến bất thường về địa chính trị, địa kinh tế, biến đổi khí hậu và dịch bệnh... đang đòi hỏi cấu trúc chiến lược và quản trị của cộng đồng doanh nghiệp phải thay đổi.
Thế giới của ngày hôm nay sẽ không còn là thế giới của ngày hôm qua. Vị thế địa kinh tế, địa chính trị, tài nguyên, nguồn lao động dồi dào và với chi phí thấp sẽ không còn là những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong những thập kỷ tới. Đổi mới, sáng tạo phải là trái tim của nền kinh tế Việt Nam và đổi mới sáng tạo phải bắt đầu từ doanh nghiệp.
Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!
Nguyễn Mạnh (ghi)