Fica
  1. Thời sự

Chủ tịch Quốc hội lên tiếng về việc điều hành xuất khẩu gạo

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét, biểu hiện lúng túng trong điều hành xuất khẩu gạo vừa qua gây lãng phí tiền bạc của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới người trồng lúa.

Sáng 22/4, trong khuôn khổ phiên họp thứ 44, UB Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2019 của Chính phủ.

Ngoài những nội dung như thường lệ, UB thường vụ Quốc hội mong muốn báo cáo cập nhật thông tin về những bất thường quanh chuyện xuất khẩu gạo 2 tháng qua.

Chủ tịch Quốc hội lên tiếng về việc điều hành xuất khẩu gạo - 1

Chủ tịch Quốc hội: "Xuất khẩu gạo khó khăn quá, sự lúng túng trong điều hành, quyết định vội vàng gây lãng phí tiền bạc của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới người trồng lúa".

Cụ thể, nhận xét là báo cáo  kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí kỳ này của Chính phủ khá đầy đủ, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, vẫn còn một số vấn đề cần nói đậm hơn.

Dẫn chứng vụ xuất khẩu gạo vừa được UB Kinh tế của Quốc hội tổng hợp, gửi báo cáo đến UB Thường vụ Quốc hội ngày hôm qua, 21/4, Chủ tịch Quốc hội nói bà đánh giá rất cao những thông tin cơ quan giám sát lĩnh vực nêu ra.

“Xuất khẩu gạo khó khăn quá, sự lúng túng trong điều hành, quyết định vội vàng gây lãng phí tiền bạc của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới người trồng lúa” - Chủ tịch Quốc hội nói.

UB Kinh tế cho biết, thời gian qua, nhiều cử tri đã có ý kiến, doanh nghiệp có đơn thư kiến nghị, cầu cứu Chính phủ về những bất cập trong điều hành xuất khẩu gạo, gây khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp, nông dân.

Theo báo cáo này, năm 2020, cả nước thu hoạch ước đạt 43,5 triệu tấn thóc, dự báo nhu cầu tiêu thụ trong nước năm 2020 (đã bao gồm cả dự trữ) là 29,96 triệu tấn thóc. Diện tích lúa vụ Đông Xuân bị thiệt hại từ hạn hán và xâm nhập mặn năm 2020 là không đáng kể, vụ Đông Xuân được mùa, năng suất bình quân đạt 7 tấn/ha, vì vậy sản lượng thóc gạo tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến tương đương sản lượng năm 2019. Như vậy, sau khi trừ đi nhu cầu tiêu dùng và dự trữ, lượng thóc còn dư có thể xuất khẩu là 13,54 triệu tấn, tương đương khoảng 6,5-6,7 triệu tấn gạo. Riêng vụ Đông Xuân, sau khi trừ đi nhu cầu dự trữ và tiêu dùng, lượng gạo hàng hóa có thể xuất khẩu là khoảng 3 triệu tấn.

Tuy nhiên, diễn biến điều hành xuất khẩu gạo đã gây rất nhiều khó khăn, bức xúc cho doanh nghiệp và nông dân.

Cơ quan giám sát kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực thi công vụ, tham mưu các quyết định có ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp và người dân nhưng đã không đánh giá kỹ tác động. Đề nghị nghiên cứu giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại trong giai đoạn vừa qua như phải bồi thường hợp đồng hoặc tăng chi phí lãi vay, chi phí cho việc lưu kho, bãi do bị ảnh hưởng bởi việc tạm dừng xuất khẩu gạo.

Khẩn trương có biện pháp cho thông quan ngay đối với các lô hàng gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp đã được kê khai và đang nằm tại cảng trước ngày 24/3/2020, khắc phục thiệt hại cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang phải đối phó với dịch Covid-19. Sau khi giải quyết hết số lượng gạo tồn đọng này mà vẫn còn chỉ tiêu xuất khẩu thì mới mở tờ khai tiếp để không gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Làm rõ việc Tổng cục Hải quan mở hệ thống thông quan hàng hóa tự động để doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo đăng ký tờ khai vào lúc 0 giờ ngày Chủ nhật 12/4/2020 có dấu hiệu tiêu cực, lợi ích nhóm hay không, đã tuân theo đúng quy định tại Điều 18 Luật Quản lý ngoại thương hay chưa.

Lúa gạo đủ cho 96 triệu dân trong mọi tình huống, đủ cho xuất khẩu

Liên quan đến những lý do khiến các cơ quan tham mưu cho quyết định điều hành việc xuất khẩu gạo với những lo ngại về năng lực sản xuất lúa gạo, diễn biến dịch bệnh Covid-19 trên thế giới, yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực, báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn về vấn đề đảm bảo lương thực, thực phẩm ứng phó với đại dịch giúp trả lời không ít câu hỏi.

Bộ Nông nghiệp cho biết, trong điều kiện rất khó khăn, nhất là ĐBSCL hạn mặn lịch sử nhưng vẫn được mùa do chủ động nhận định sớm, cùng tập trung các giải pháp tổng hợp. Đến nay, căn bản diện tích lứa Đông Xuân các vùng miền đều khá tốt, sẽ đạt kế hoạch với sản lượng 20,2 triệu tấn thóc trong 6 tháng đầu năm, chiếm 46% sản lượng thóc cả năm.

Kết quả sản xuất này sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước 6 tháng và công tác xuất khẩu.

Chốt lại, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp khẳng định, với các kế hoạch, giải pháp đã đề ra và áp dụng, ngành Nông nghiệp sẽ phấn đấu đạt được, đáp ứng vững chắc lương thực, thực phẩm cho 96 triệu dân trong mọi tình huống và đủ nguyên liệu cho xuất khẩu, thậm chí tranh thủ tăng giá trị nếu tín hiệu thị trường xuất khẩu tích cực sau dịch Covid-19.

Phương Thảo