Chủ tịch Amcham nhắc tới vấn đề tận dụng sự căng thẳng trong thương mại giữa Hoa Kỳ-Trung Quốc.
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) diễn ra sáng nay (4/12), ông Michael Kelly - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (Amcham) nhìn nhận, từ những thực tiễn quản lý và công nghệ, đến tiêu chuẩn dịch vụ và đạo đức kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ tại đây đã ảnh hưởng đến Việt Nam theo nhiều hướng tích cực.
"Hoa Kỳ là một trong những nhà đầu tư hàng đầu tại đây và người Mỹ ở Việt Nam đang đầu tư vào sản xuất và cơ sở hạ tầng cũng như cung cấp hàng tiêu dùng chất lượng cao, các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp, công nghệ và dịch vụ. Các công ty Hoa Kỳ đã đầu tư hàng tỷ đô la tại đây, tích hợp Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo ra những công việc chất lượng và giúp quốc gia trở nên năng suất hơn, hiệu quả, an toàn và sạch hơn", ông Michael Kelly cho biết.
Chủ tịch Amcham cũng nhấn mạnh, Hoa Kỳ hiện còn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với sự tăng trưởng 14% so với năm trước.
Đáng lưu ý, ông Michael Kelly nhắc tới vấn đề tận dụng sự căng thẳng trong thương mại giữa Hoa Kỳ-Trung Quốc và cho rằng căng thẳng đang diễn ra trong thương mại giữa Hoa Kỳ-Trung Quốc đã làm tăng rủi ro của các cơ sở sản xuất tại các quốc gia riêng lẻ cũng như thúc đẩy tái tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo ông Michael Kelly, một cuộc khảo sát gần đây của AmCham tới các doanh nghiệp Hoa Kỳ ở Trung Quốc cho thấy, một phần ba đã di dời hoặc đang cân nhắc di chuyển một số cơ sở sản xuất của họ ra nước ngoài trong bối cảnh căng thẳng trong thương mại. Một cuộc khảo sát riêng biệt của các công ty nước ngoài từ các quốc gia khác cho thấy một nửa đang cân nhắc việc di dời, và Đông Nam Á là lựa chọn hàng đầu của họ.
"Trung Quốc vẫn sẽ là một thành viên quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng việc các công ty và các nhà cung cấp di chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc và Việt Nam đang có được lợi ích từ một số doanh nghiệp đó", ông nói.
Chủ tịch Amcham cho rằng, thực tế cho thấy, Việt Nam thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, một số nhà chức trách đang đặt câu hỏi rằng liệu việc có nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam là thật sự tốt cho nền kinh tế Việt Nam hay không.
Ông dẫn ví dụ, một đại biểu Quốc hội gần đây đã nói: "Với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm hơn 70% tổng xuất khẩu, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng khi những doanh nghiệp này rút khỏi Việt Nam".
"Tất cả chúng ta ở đây đều muốn đảm bảo rằng không có lý do gì mà các công ty nên rời khỏi Việt Nam. Đó là lý do tại sao chúng ta cần thấy được sự tiến bộ liên tục và hữu hình. Quan trọng hơn, các thủ tục hành chính ràng buộc phi hiệu quả phải được kiểm soát, khung pháp lý và thuế của quốc gia phải được ổn định và có thể dự đoán được", ông nhấn mạnh.
Theo Michael Kelly, các nhà đầu tư nước ngoài cần một sân chơi bình đẳng, không chỉ để thu hút vốn đầu tư nhiều hơn trong tương lai mà còn để duy trì vốn đầu tư đã có tại đây. Những thay đổi thường xuyên và hồi tố của các đạo luật và quy định - bao gồm thuế suất và chính sách - là những rủi ro đáng kể đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Những thay đổi này ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư và kinh doanh của các dự án đã được cấp phép.
"Các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp được đầu tư bởi nước ngoài cần một môi trường hỗ trợ và công bằng như nhau để phát triển, và như bạn biết rõ, điều đó có nghĩa là mối quan hệ của họ với các cơ quan hành chính cần phải tương hỗ và minh bạch", ông nói thêm.
Đại diện các doanh nghiệp Mỹ cũng cho rằng, việc giảm chi phí và rủi ro kinh doanh sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp Việt Nam – rất nhiều trong số đó là các doanh nghiệp vừa và nhỏ - và đồng thời sẽ thúc đẩy tinh thần kinh doanh- khởi nghiệp, đảm bảo khả năng cạnh tranh và tăng trưởng trong tương lai của Việt Nam.
Phương Dung