“Đội vốn” hàng ngàn tỷ đồng do sai sót trong tính toán (?!)
Như Dân trí đã đưa tin, Kiểm toán Nhà nước đã có báo cáo kiểm toán dự án metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) của TPHCM và chỉ ra nhiều sai phạm.
Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án metro số 1 của TPHCM (ảnh: Phạm Nguyễn)
Theo Kiểm toán Nhà nước, quyết định điều chỉnh kiểu dáng dầm từ dầm Super T sang dầm chữ U của đoạn tuyến trên cao (thuộc gói thầu số 2) làm tăng giá trị công trình bất hợp lý lên 1.420 tỷ đồng. Việc này không đảm bảo tính kinh tế và chưa phù hợp với nguyên tắc trong hoạt động xây dựng và các trường hợp được điều chỉnh.
Thay đổi kiểu dáng dầm đã làm thay đổi kích thước nhịp từ 33m xuống 30m làm phát sinh 54 trụ cầu (thiết kế cơ sở ban đầu là 467 trụ tăng lên 519 trụ).
Kiểm Toán Nhà nước cho rằng trong quá trình xin điều chỉnh kiểu dáng dầm, Ban quản lý đường sắt đô thị TP (Ban QLĐSĐT) đã trình lên UBND TPHCM với nội dung không đầy đủ và không phù hợp về kỹ thuật.
Ngoài ra, việc tính toán và đưa ra những luận cứ để thay đổi nguyên tắc lập tàu là chưa đủ thuyết phục và cũng chưa đủ cơ sở. Cụ thể, tư vấn đưa vào tính toán trọng lượng của toa M là 35,7 tấn và toa T là 27,8 tấn là chưa phù hợp với tiêu chuẩn STRASYA là toa M là 28,2 tấn và toa T là 22,4 tấn, trong khi chưa đưa ra được bằng chứng cụ thể nào về trọng lượng toa tàu như đã đưa vào tính toán.
Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, việc phê duyệt tổng mức đầu tư (TMĐT) điều chỉnh tại quyết định 4480/QĐ-UBND ngày 21/9/2011 còn nhiều tồn tại.
Cụ thể, do hồ sơ thiết kế cơ sở không thể hiện đầy đủ, nhiều hạng mục công trình còn thiếu và nhiều đơn giá, mức áp dụng thiếu cơ sở nên giá trị TMĐT được lập có khoảng 60% giá trị chưa đảm bảo cơ sở xác định giá trị tính toán.
Về đơn giá, ngoại trừ một số vật tư có trong thông báo giá, các thiết bị vật tư từ Nhật Bản đều chưa đảm bảo căn cứ pháp lý. Về định mức, áp dụng nhiều hình thức định mức của Nhật Bản chưa có trong hệ thống định mức hiện hành; áp dụng nhiều hệ số chi phí khác của Nhật Bản không có trong quy định tại Việt Nam hoặc có trong quy định tại Việt Nam nhưng lại cao hơn nhiều lần.
Một số giá thiết bị nhập khẩu tính toán trong dự toán cao hơn nhiều lần so với giá dự thầu của 3 nhà thầu. Cụ thể, giá toa tàu tính trong dự toán cao gấp 1,5 lần, giá các trạm điện cao hơn trung bình 3,5 lần, giá hệ thống thu phí cao hơn trung bình 2,8 lần.
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra 3 nguyên nhân tăng tổng mức đầu tư. Thứ nhất, chủ đầu tư là Ban QLĐSĐT báo cáo rằng sự biến động giá khách quan của nguyên vật liệu và tăng lương tối thiểu từ năm 2006 đến năm 2009 làm tăng tổng mức đầu tư lên 40%. Còn theo Kiểm toán Nhà nước, trượt giá của TMĐT từ 2006 đến 2009 là 31% (sai lệch 9%).
Thứ hai, tăng khối lượng xây dựng do tăng lưu lượng hành khách dự báo là thiếu độ tin cậy và chính xác.
Thứ ba, Ban QLĐSĐT dẫn 4 nguyên nhân do thay đổi chi phí dự phòng, thay đổi tỷ giá, thuế VAT và chi phí gián tiếp tuy nhiên nguyên nhân do thay đổi chi phí dự phòng và tỷ giá còn chưa chính xác.
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý gần 2.900 tỷ đồng
Kiểm toán Nhà nước cho biết, giá trị TMĐT tăng do các nguyên nhân trượt giá và thay đổi hợp lý là 73.591 triệu yên và 14.492 tỷ đồng tương đương 29.211 tỷ đồng. Giá trị TMĐT điều chỉnh theo quyết định 4480 là 47.325 tỷ đồng cao hơn 18.114 tỷ đồng do nhiều nguyên nhân.
Tuyến metro số 1 đoạn qua cầu Sài Gòn (ảnh: Phạm Nguyễn)
Trong đó, thay đổi kết cấu dầm làm tăng 1.420 tỷ đồng; tăng do tính toán TMĐT chưa hợp lý 9.668 tỷ đồng; tăng quy mô nhà ga làm tăng 3.224 tỷ đồng; tăng tính năng an toàn, tăng số lượng thiết bị do tăng quy mô và một số nguyên nhân chưa xác định là 3.802 tỷ đồng.
Tại gói thầu CP1a (ga Bến Thành – ga Nhà hát TP), theo Kiểm toán Nhà nước, còn tồn tại, hạn chế, thiếu sót trong công tác xác định đơn giá và tính toán giá trị làm gia tăng giá trị dự toán hơn 1.600 tỷ đồng chiếm 26,9%. Trong đó, sai đơn giá 1.560 tỷ đồng.
Kiểm toán Nhà nước chỉ ra giá trị dự toán tính toán lại sau khi loại bỏ các sai sót thấp hơn giá trị trúng thầu 486 tỷ đồng. Ban Quản lý đường sắt đô thị phê duyệt kết quả thẩm định dự toán là không đúng thẩm quyền.
Tại gói thầu 1b (ga Nhà hát TP – ga Ba Son), một số khoản mục chi phí giá trị gói thầu còn chưa đủ cơ sở để xác định với giá trị khoản 1.420 tỷ đồng (tương đương 32% giá trị gói thầu).
Tại gói thầu số 2 (đoạn trên cao và Depot), việc sai sót về định mức, đơn giá và khối lượng dẫn đến tăng giá trị gói thầu với hơn 3.277 tỷ đồng và 1.300 tỷ yên.
“Trách nhiệm liên quan đến sai sót thuộc về UBND TP, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thiết kế” - Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ.
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra những điểm hạn chế trong công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu. Tại gói thầu 1a, không tiến hành sơ tuyển nhà thầu theo quy định, không đăng báo khi thay đổi thời gian đóng thầu, thời gian đánh giá hồ sơ mời thầu dài hơn quy định 22 ngày.
Bên cạnh đó, trong quá trình làm rõ hồ sơ mời thầu, Ban QLĐSĐT thay đổi nội dung thiết kế kỹ thuật đã được UBND TP phê duyệt là trái thẩm quyền.
Cụ thể, theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật đoạn tường chắn giao cắt với tuyến 4 là công trình tạm sẽ phải phá dỡ trong phạm vi của gói thầu 1a. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã điều chỉnh quyết định để lại đoạn tường chắn này.
“Việc điều chỉnh này dẫn đến nhà thầu thi công tuyến số 1 sẽ không phải phá bỏ công trình tạm của mình và để lại 198m tường bê tông dày 1,5 m trong phạm vi giao cắt với tuyến số 4. Theo nghiên cứu của Sapror, chi phí tháo dỡ đoạn tường này khoảng 200 tỷ đồng” - Kiểm toán Nhà nước nêu rõ.
Gói thầu 1b (ga Nhà hát TP - ga Ba Son) cũng xảy ra sai sót trong tính toán
Đặc biệt, quá trình xác định gói thầu 1b hạn chế dẫn đến giá gói thầu được xác định lại thấp hơn giá trúng thầu với giá trị hơn 676 tỷ đồng.
Đối với gói thầu số 2, theo Kiểm toán Nhà nước, kết quả thương thảo hợp đồng đã giảm từ hơn 3 tỷ yên so với giá trúng thầu. Nội dung giảm chủ yếu do giảm hạng mục xây dựng tòa nhà công ty vận hành bảo dưỡng, giảm nội dung giám sát công tác bảo dưỡng 5 năm. Giá trúng thầu là hơn 26 tỷ yên và hơn 8.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do giá gói thầu được duyệt sai về đồng tiền dẫn đến kết quả đánh giá không chính xác.
“Nếu giá gói thầu duyệt theo đúng nội dung hiệp định thì giá trúng thầu sau khi thương thảo vẫn cao hơn giá gói thầu là trên 1.495 tỷ đồng, không đủ điều kiện ký kết hợp đồng theo quy định của hồ sơ mời thầu và Luật Đấu thầu” – báo cáo Kiểm toán Nhà nước đánh giá.
Từ những sai sót trên, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính theo kết quả kiểm toán hơn 2.898 tỷ đồng. Trong đó, thu hồi ngân sách Nhà nước hơn 18,2 tỷ đồng, nộp thuế giá trị gia tăng gần 54 tỷ đồng, giảm trừ thanh toán cho các nhà thầu là hơn 96,5 tỷ đồng, hoàn trả nguồn tạm ứng quá hạn hơn 17,9 tỷ đồng, xử lý khác 2.648 tỷ đồng.
Vì nhiều bất cập, hạn chế trong thiết kế, phê duyệt dự án đầu tư, tuyến metro số 1 của TPHCM có nguy cơ trễ hẹn về đích năm 2020. Tuyến metro số 2 cũng xin chậm về đích đến 4 năm (dự kiến 2024). Cả 2 dự án đều trong tình trạng chờ cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Trong khi tuyến metro số 1 “đội vốn” từ 17.400 tỷ đồng lên hơn 47.300 tỷ đồng thì tuyến số 2 tăng từ 1,374 tỷ USD lên 2,173 tỷ USD (tăng thêm 58%).