Fica
  1. Thời sự

“Choáng” với con số 4,5 nghìn tỷ đồng doanh thu từ vải và các dịch vụ hỗ trợ

Chưa hết vụ vải, nhưng con số 4,5 nghìn tỷ đồng doanh thu từ vải và các dịch vụ hỗ trợ là con số rất đáng nói, khi năm nay là năm đầu tiên quả vải được xuất chính ngạch sang Trung Quốc.

“Choáng” với con số 4,5 nghìn tỷ đồng doanh thu từ vải và các dịch vụ hỗ trợ

Theo số liệu thống kê của Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, cho đến hết ngày 16/6, tổng sản lượng vải tiêu thụ là 85.480 tấn, tổng giá trị ước đạt 3.419 tỷ đồng. Giá bán vải thiều tại thời điểm này đang dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/kg.

Bên cạnh giá trị mà quả vải đem lại, các ngành dịch vụ đi kèm cũng mang lại giá trị rất đáng kể, chiếm tới gần một phần ba con số 4,5 nghìn tỷ. Cụ thể, theo số liệu mà Sở cung cấp thì, doanh thu từ thùng xốp, đá cây, vận tải, điện, nhân công, nhà hàng, khách sạn, ngân hàng và các dịch vụ khác ước đạt khoảng 983 tỷ đồng.

Các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho tiêu xuất khẩu như đá cây, thùng xốp còn phải tăng giá do nhu cầu đang rất cao. Đá cây tại các xưởng ở địa phương dao động từ 35.000 - 45.000 đồng/cây; thùng xốp loại nhỏ có giá 28.000 - 30.000 đồng/cái, loại to cao hơn 2.000 đồng.

Riêng đá lạnh, có những xưởng đã phải vận hành 24/24 với gần 50 công nhân, để sản xuất hơn 4 nghìn cây đá/ngày phục vụ nhu cầu thị trường. Các xưởng đá thậm chí đã đầu tư máy móc hàng tỷ đồng để sản xuất mà vẫn không đủ để phục vụ các cơ sở xuất khẩu. Nhiều chủ cơ sở cho biết, họ còn phải nhập đá ở các tỉnh lân cận để cung ứng đủ ra thị trường.

“Choáng” với con số 4,5 nghìn tỷ đồng doanh thu từ vải và các dịch vụ hỗ trợ - 1

Mỗi mùa làm đá cao điểm kéo dài khoảng 30 -35 ngày thì doanh thu của những cơ sở quy mô lớn có thể lên tới hàng tỷ đồng (Ảnh: Toàn Vũ)

Giá trung bình là khoảng 35.000 - 45.000 đồng/cây, nhưng vào thời điểm “khan” hàng, giá đá cây có thể lên 55.000 đồng.

Dù có gần 500 điểm cân vải lớn nhỏ trải khắp cả tỉnh, nhưng việc xuất khẩu mạnh nhất hiện nay vẫn ở 2 huyện Lục Ngạn và Lục Nam (Bắc Giang). Vì đây là nơi có diện tích trồng vải lớn nhất cả tỉnh.

“Choáng” với con số 4,5 nghìn tỷ đồng doanh thu từ vải và các dịch vụ hỗ trợ - 2

Vải sớm có giá cao hơn cả vải thiều

Tính riêng huyện Lục Ngạn, đến hết ngày hôm nay đã tiêu thụ được gần 29 nghìn tấn vải thiều và hơn 13 nghìn tấn vải sớm. Huyện xếp thứ 2 là Lục Nam, nhưng tổng sản lượng cũng chỉ đạt hơn 15 nghìn tấn. Do đó, gần 400 thương nhân Trung Quốc đa phần đều tập trung ở đây.

“Choáng” với con số 4,5 nghìn tỷ đồng doanh thu từ vải và các dịch vụ hỗ trợ - 3

Thương lái Trung Quốc nói tiếng Việt rất tốt và đã thu mua nông sản ở Việt Nam nhiều năm

Theo số liệu mà Ban quản lý khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) cung cấp, từ ngày 7 - 13/6, số lượng phương tiện chở mặt hàng vải xuất khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh tiếp tục tăng, trung bình xuất khoảng 150 xe vải/ngày. Các lực lượng chức năng tại cửa khẩu đã chủ động phối hợp phân luồng, điều tiết phương tiện, đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu, đặc biệt là mặt hàng quả vải xuất khẩu; không để ùn ứ phương tiện tại khu vực cửa khẩu.

“Choáng” với con số 4,5 nghìn tỷ đồng doanh thu từ vải và các dịch vụ hỗ trợ

Những con số trên cho thấy nhiều tín hiệu rất tích cực với nông sản cả nước nói chung và Bắc Giang nói riêng. Cách làm của Bắc Giang nên được nhiều địa phương học hỏi và nhân rộng, để đưa các sản phẩm đặc trưng vùng miền tới tay người tiêu dùng không chỉ trong mà ngoài nước nhiều hơn nữa.

Thế Hưng

“Choáng” với con số 4,5 nghìn tỷ đồng doanh thu từ vải và các dịch vụ hỗ trợ - 4