Dệt may sẽ là ngành hàng được hưởng lợi khi EVFTA chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp dệt may nào cũng hiểu rõ được những cơ hội mà EVFTA mang lại. Ảnh: Các khách mời tham dự toạ đàm “Ngành dệt may Việt Nam trước thách thức và cơ hội từ thị trường châu Âu” diễn ra sáng 2/8.
Dệt may ô nhiễm - không quản được thì cấm!
Thông tin trên được Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Ngành dệt may Việt Nam trước thách thức và cơ hội từ thị trường châu Âu” diễn ra sáng nay, 2/8.
Dệt may là một trong những ngành được đánh giá là có nhiều lợi thế khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU có hiệu lực.
Rất nhiều doanh nghiệp kỳ vọng, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sẽ là cú hích lớn cho họ trong việc nâng cao giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, cơ hội là có, nhưng tận dụng cơ hội này như thế nào là vấn đề không hề dễ.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, vấn đề nguồn cung nguyên liệu ngành dệt may chính là nút thắt lớn trong việc hưởng cơ hội mà EVFTA mang lại.
Nếu không đảm bảo quy tắc xuất xứ thì hàng hóa Việt Nam không được ưu đãi. Đảm bảo quy tắc xuất xứ, dệt may Việt Nam mới được hưởng ưu đãi từ EVFTA.
Tuy nhiên theo bà Trang, thực tế dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng khoảng 90% nguyên phụ liệu của ta đang nhập khẩu từ các nguồn không phải là thành viên của hiệp định và không được ưu đãi cộng gộp trong hiệp định.
Vấn đề đặt ra, để được hưởng ưu đãi thì doanh nghiệp cần cố gắng trong việc chủ động nguồn nhiên liệu. Tuy nhiên, hiện nay để có thể thực hiện được một dự án dệt nhuộm còn nhiều khó khăn.
“Trước đây có một số trường hợp buông lỏng thực thi bảo vệ môi trường gây ảnh hưởng ngiêm trọng, là một vài con sâu làm rầu nồi canh. Điều đó khiến cơ quan quản lý cũng như xã hội luôn quan niệm dệt nhuộm gây ô nhiễm môi trường nên thấy dự án dệt nhuộm là từ chối. Tức là không quản được thì không cho làm, khỏi phải quản”, bà Trang nói.
Thay vì cách làm “không quản được thì cấm”, bà Trang cho rằng chúng ta phải xử lý đúng chỗ bất cập, đừng vì “con sâu làm rầu nồi canh” mà từ chối tất cả các dự án dệt nhuộm.
“Thế giới thay đổi rồi, công nghệ khác rồi. Nếu nhìn công nghệ những năm 80-90 để nhìn cho ngành dệt nhuộm bây giờ thì không còn phù hợp nữa”, bà Trang nói.
Đáng lưu ý theo bà này, không chỉ cơ quan quản lý nhà nước mà ngay cả việc vay vốn của ngân hàng ở những dự án dệt nhuộm cũng gặp khó khăn. “Cần có cái nhìn công bằng hơn, vướng chỗ nào thì xử lý chỗ đó để tạo động lực phát triển”, bà Trang nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm trước quan ngại của các địa phương về dự án dệt nhuộm, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cho rằng nguyên nhân một phần là do nhận thức chưa đầy đủ.
“Hệ thống công nghệ xử lý nước thải của thế giới tiên tiến vô cùng. Chúng tôi đầu tư một nhà máy ở khu công nghiệp Bảo Minh, đứng ngay gần mà không thấy mùi, không thấy nước có màu đậm như trước đây nữa. Chúng tôi cũng khuyến khích các doanh nghiệp tái sử dụng nguồn nước thải để sản xuất. Đẩy mạnh mục tiêu bảo vệ môi trường xanh, sạch đối với các doanh nghiệp”, ông Giang nói.
Theo lãnh đạo Hiệp hội dệt may, các địa phương không nên quá lo lắng vấn đề này bởi ngay chính các khách hàng – những người tạo ra công ăn việc làm cho doanh nghiệp – họ sẵn sàng từ chối làm ăn với những doanh nghiệp không tuân thủ việc bảo vệ môi trường.
“Nếu doanh nghiệp không tuân thủ điều khoản về môi trường thì khách hàng họ cũng không mua hàng đâu”, ông Giang chia sẻ. Bên cạnh đó ông Giang cho rằng, Luật môi trường Việt Nam cũng “cực kỳ cao”, không kém gì EU hay Nhật Bản…
Ngành dệt may đón luồng đầu tư mới
Ông Vũ Đức Giang cho biết thêm, trước đây doanh nghiệp EU không đầu tư vào dệt may ở Việt Nam nhưng thời gian gần đây thì việc này đã thay đổi. Năm 2018 đã có 1 tập đoàn Đức đầu tư 1 nhà máy kéo sợi len lông cừu tại Đà Lạt, ngoài ra còn có một số doanh nghiệp Pháp.
Điều này theo ông Giang, đã tạo một động lực cho các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nguồn cung thiếu hụt ở Việt Nam. Thặng dư thương mại của Việt Nam tăng nhanh như vậy một phần nhờ chủ động được nguyên phụ liệu sản xuất trong nước.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập chia sẻ thêm, với ngành dệt may, EU là thị trường cực kỳ lớn và vô cùng hấp dẫn. Năm 2018 dệt may Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu là 5,6 tỷ USD.
Mặc dù là con số tương đối lớn nhưng theo bà Trang, chúng cũng chỉ chiếm 2,02% tổng lượng nhập khẩu hàng dệt may của châu Âu. Điều đó cho thấy dư địa của thị trường châu Âu là rất lớn.
Theo ông Vũ Đức Giang, năm 2019 ngành dệt may đặt ra mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD hàng dệt may Việt Nam.
Trong đó, thị trường lớn nhất là Mỹ chiếm 42% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam.
Đứng thứ hai là thị trường EU, khả năng chiếm 21,5% so với mục tiêu đặt ra là 20%. Đứng thứ ba là Nhật chiếm 19,5%. Thứ tư là Hàn Quốc chiếm 14%...
Theo vị này, EU vẫn là thị trường có tính chiến lược trọng điểm, lâu dài, vì các đơn hàng dệt may của EU là dòng hàng có giá trị gia tăng cao hơn các thị trường khác.
Nguyễn Mạnh