Fica
  1. Thời sự

Chính phủ yêu cầu khẩn trương kết luận vụ “Con Cưng”

CTV Minh Khuyên
CTV Minh Khuyên

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình – Trưởng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia liên quan đến sự vụ nhập nhèm nhãn mác hàng hóa tại Công ty cổ phần Con Cưng.

Kết luận cuối cùng về sai phạm của chuỗi siêu thị Con Cưng vẫn chưa được đưa ra 

Theo đó, căn cứ trên  báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tại Văn bản số 277/BC-VPTT ngày 30/7/2018 về việc kiểm tra các cửa hàng kinh doanh của Công ty cổ phần Con Cưng, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường khẩn trương kết luận có hay không có vi phạm của Công ty cổ phần Con Cưng trong việc kinh doanh hàng hóa đối với số lượng hàng hóa đã kiểm tra để xử lý theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương cần chủ động cung cấp thông tin chính thức cho cơ quan truyền thông, bảo đảm phản ánh đúng bản chất của vụ việc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Kết quả kiểm tra xử lý báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/9/2018.

Trước đó, ông Trương Đình Công Vĩnh khách hàng tại TP HCM đã có mua một số sản phẩm dành cho bé ở một siêu thị thuộc hệ thống của Công ty cổ phần Con Cưng (Con Cưng) tại địa chỉ 788 Âu Cơ (phường 14, quận Tân Bình).

Vị khách này phát hiện một bộ quần áo màu hồng dành cho bé gái có mã sản phẩm CF G127011, trị giá 329.000 đồng có dấu hiệu bị cắt nhãn cũ và thay thế bằng nhãn CF (Con Cưng Fashion), có ghi xuất xứ từ Thái Lan.

Con Cưng đã xin lỗi và đề nghị bồi thường cho vị khách trên, nhưng ông không đồng ý và gửi khiếu nại đến Cục Quản lý thị trường và Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương).

Giải thích về vụ việc, đại diện Con Cưng cho biết lô hàng bị lỗi này được sản xuất bởi Công ty International Incorporated (Thái Lan). Công ty này và Con Cưng có hợp đồng mua bán theo nguyên tắc FOB tự search.

Đại diện Con Cưng giải thích doanh nghiệp thực hiện FOB tự search sẽ nhận mẫu thiết kế từ khách mua nước ngoài hoặc tự thiết kế trình khách mua nước ngoài duyệt. Họ sẽ sử dụng nguồn nguyên liệu đạt tiêu chuẩn, đảm bảo yêu cầu kiểm định chất lượng hàng xuất khẩu, sản xuất và vận chuyển thành phẩm tới cảng của người mua. 

Tuy nhiên, ông Vĩnh không chấp nhận cách giải thích của Con Cưng.

Trong diễn biến mới nhất liên quan đến vụ Con Cưng, chiều 8/8, ông Trương Đình Công Vĩnh, khách hàng tố cáo Công ty Cổ phần Con Cưng (Con Cưng)  và đại diện Cục QLTT đã có buổi tiếp xúc với nhau và tại cuộc gặp này, khách hàng đã nêu những mong muốn, nguyện vọng của mình.

Cụ thể, ông Vĩnh cho rằng, phía Con Cưng vẫn chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Một số chứng cứ mà Con Cưng đưa ra trước đây đều bằng tiếng Anh và chưa thuyết phục về tính pháp lý tại Việt Nam. Ông Vĩnh mong muốn Bộ Thương mại Thái Lan phải xác nhận các con dấu trong văn bản của Con Cưng đưa ra là có giá trị, đủ tính xác thực.

“Cục Quản lý thị trường thông báo có 7 sai phạm của Con Cưng nhưng cái sai phạm về nhãn mác mà tôi nêu ra thì không có. Trong khi đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng đã gửi văn bản sang Cục Quản lý thị trường đề nghị tiếp nhận, giải quyết về việc Con Cưng cắt và thay thế mác sản phẩm quần áo trẻ em”, ông Vĩnh nói.

Cũng theo ông Vĩnh, kể từ khi ông khiếu nại lên Con Cưng thì chưa có bất kỳ đại diện nào của doanh nghiệp này gặp ông để trình bày rõ sự việc. Điều này thể hiện, Con Cưng chưa coi trọng khách hàng.

Trước đó, ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết, chuỗi siêu thị Con Cưng có 7 hành vi vi phạm bị phát hiện, bao gồm: kinh doanh hàng hóa nhập khẩu tại thời điểm kiểm tra không có hóa đơn chứng từ; kinh doanh hàng hóa ghi nhãn trong nước Made in Vietnam nhưng không được thể hiện bằng ngôn ngữ tiếng Việt, mà bằng tiếng nước ngoài, ký tự Latin.

Có giấy nhãn mác đè nhãn mác khác, nhập nhèm truy xuất nguồn gốc hàng hoá. Bán các loại sữa quảng cáo là sử dụng công nghệ Đức nhưng không phải công nghệ Đức. Bán và lưu hành mỹ phẩm có dấu hiệu trái phép; Kinh doanh hàng hóa mang nhãn không đủ quy định bắt buộc.

"Căn cứ luật pháp, 7 hành vi như trên chúng tôi kết luận doanh nghiệp sai rồi. Với 7 hành vi này là đủ để Con Cưng bị xử lý, còn có xử lý hình sự hay ở mức nào chúng tôi đang tiến hành điều tra làm rõ”, ông Tín nói.

H.Anh 

 

 

 

Tin liên quan