Fica
  1. Thời sự

Chính phủ “nới lỏng” vốn kinh doanh hàng không từ 700 tỷ đồng xuống 300 tỷ đồng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 92 sửa đổi về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Theo Nghị định này, vốn tối thiểu kinh doanh hàng không giảm từ 700 tỷ đồng xuống chỉ còn 300 tỷ đồng, đây là cơ hội để nhiều doanh nghiệp “rộng cửa” lấn sân hàng không.

Vốn kinh doanh chỉ 300 tỷ đồng

Một trong những điểm đáng chú ý tại Nghị định mới là việc vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không đã giảm đáng kể so với quy định trước đây.

Cụ thể, theo quy định mới, mức vốn tối thiểu để khai thác đến 10 tàu bay là 300 tỷ đồng, khai thác từ 11 đến 30 tàu bay là 600 tỷ đồng và khai thác trên 30 tàu bay là 700 tỷ đồng, không phân biệt nội địa và quốc tế.

Trước đây, số vốn quy định này cao hơn khá nhiều, tương ứng là 700 tỷ đồng, 1.000 tỷ đồng và 1.300 tỷ đồng. Nếu chỉ khai thác nội địa mà không khai thác quốc tế thì số vốn này cũng giảm tới vài trăm tỷ đồng, tuỳ số lượng tàu bay khai thác. Riêng mức vốn tối thiểu để thành lập và duy trì doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung vẫn giữ như cũ là 100 tỷ đồng.

Chính phủ “nới lỏng” vốn kinh doanh hàng không từ 700 tỷ đồng xuống 300 tỷ đồng - 1

Nhiều điều kiện kinh doanh hàng không vừa được Chính phủ "nới lỏng"

Ngoài ra, theo quy định mới, doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không có vốn đầu tư nước ngoài phải thì nhà đầu tư nước ngoài chiếm không quá 34% vốn điều lệ; Phải có ít nhất một cá nhân Việt Nam hoặc một pháp nhân Việt Nam giữ phần vốn điều lệ lớn nhất.

Trường hợp pháp nhân Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài góp vốn thì phần vốn góp nước ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ của pháp nhân. Theo quy định cũ, mức vốn của nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần không quá 30% vốn điều lệ.

Quy định mới về tuổi tàu bay nhập khẩu

Về quy định tuổi tàu nhập khẩu, Nghị định sửa đổi của Chính phủ quy định rõ: Tàu bay thực hiện vận chuyển hành khách không quá 10 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam theo hợp đồng mua, thuê mua, không quá 20 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê. Riêng đối với tàu bay trực thăng không quá 25 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê.

Đối với tàu bay vận chuyển hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, kinh doanh hàng không chung: Không quá 15 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam theo hợp đồng mua, thuê mua, không quá 25 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê,

Các loại tàu bay khác ngoài các loại tàu kể trên muốn nhập khẩu vào Việt Nam phải không quá 20 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm nhập khẩu vào Việt Nam theo hợp đồng mua, thuê mua, không quá 30 năm tính từ ngày xuất xưởng đến thời điểm kết thúc hợp đồng thuê.

Các chủng loại tàu bay nhập khẩu vào Việt Nam được Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) hoặc Cơ quan an toàn hàng không châu Âu (EASA) hoặc Nhà chức trách hàng không Việt Nam cấp Chứng chỉ loại tàu bay.

Châu Như Quỳnh

Chính phủ “nới lỏng” vốn kinh doanh hàng không từ 700 tỷ đồng xuống 300 tỷ đồng - 2