Sáng nay (25/5), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo Tờ trình tại Quốc hội về Dự án Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) được thực hiện theo quy định của Luật thuế SDĐNN năm 1993, Pháp lệnh số 31-L/CTN ngày 29/3/1994 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về thuế bổ sung đối với hộ gia đình SDĐNN vượt quá hạn mức diện tích đất.
Tổng kết, đánh giá 20 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN cho thấy, tổng số thuế SDĐNN miễn, giảm giai đoạn 2003-2010 trung bình khoảng 3.268,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn từ 2011-2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017-2018 và dự kiến đến hết năm 2020 khoảng 7.500 tỷ đồng/năm.
Chính phủ miễn thêm 7.500 tỷ đồng thuế sử dụng đất nông nghiệp/năm (ảnh: Internet)
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thông tin, theo quy định của Luật đất đai năm 2013 có trường hợp được nhà nước giao đất và thuộc đối tượng phải nộp thuế SDĐNN theo quy định của Luật thuế SDĐNN. Cụ thể:
Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp lao động nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối trên diện tích đất nông nghiệp trong hạn mức: được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất.
Người sử dụng đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng: được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất (nếu là đất có rừng tự nhiên thì không thuộc đối tượng phải chịu thuế SDĐNN).
Cộng đồng dân cư SDĐNN: được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất.
Tổ chức kinh tế đã được Nhà nước giao đất nông nghiệp có thu tiền sử dụng đất trước ngày Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối được tiếp tục sử dụng đất đến hết thời hạn được giao đất có thu tiền sử dụng đất, sau đó phải chuyển sang thuê đất (khi chuyển sang thuê đất sẽ không phải nộp thuế SDĐNN).
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, việc tiếp tục miễn thuế SDĐNN đến hết năm 2025 sẽ không làm giảm thu ngân sách nhà nước, lí do đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế.
“Với số thuế SDĐNN được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, là nguồn tài chính quan trọng đầu tư trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn để góp phần đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.
Cũng theo ông Dũng, việc đề xuất tiếp tục miễn thuế SDĐNN đến hết 2025 là thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp, chu kỳ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo tính khả thi của chính sách.
Miễn thuế SDĐNN không gây xung đột, vướng mắc trong quan hệ thương mại với các nước, không vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Dự án Nghị quyết cũng không quy định về thủ tục hành chính và vấn đề bình đẳng giới, do đó không phát sinh chi phí tuân thủ thủ tục hành chính và không gây bất bình đẳng về giới.
Trong sáng nay, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội có báo cáo thẩm tra về Dự án Nghị quyết của Chính phủ về miễn thuế SDĐNN, trong đó khẳng định sự cần thiết ban hành Nghị quyết về miễn thuế SDĐNN.
Dù vậy, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng đến nay Chính phủ chưa đánh giá một cách tổng thể, đề xuất chính sách về thuế sử dụng đất nông nghiệp để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất pháp luật là chưa thực sự phù hợp.
Tại báo cáo tổng kết của Chính phủ cũng không có số liệu về diện tích đất nông nghiệp không sử dụng, hoặc sử dụng sai mục đích bị thu hồi. Do đó, đề nghị cần bổ sung các quy định chặt chẽ hơn trong dự thảo Nghị quyết để chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thực sự có tác động đến việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hạn chế việc bỏ hoang hóa ruộng đất, tránh lãng phí nguồn lực đất đai.
Châu Như Quỳnh