Fica
  1. Thời sự

Chính phủ lắng nghe ý kiến để hoàn thiện thể chế, chính sách trong thu hút FDI

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: “Chính phủ rất muốn lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp địa phương, nước ngoài, các tổ chức quốc tế, hiến kế giúp cho Chính phủ hoàn thiện thể chế, chính sách trong thu hút FDI”.

 

Chính phủ lắng nghe ý kiến để hoàn thiện thể chế, chính sách trong thu hút FDI - 1

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị.

Ngày 14/2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với tỉnh Bình Dương tổ chức hội nghị tham vấn, định hướng, hoàn thiện thể chế về đầu tư nước ngoài trong bối cảnh mới, hội nghị do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì. Tham dự có 650 đại biểu lãnh đạo một số Bộ, ngành trung ương, lãnh đạo UBND các địa phương khu vực phía Nam, đại diện cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, Hiệp hội doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Theo phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, tính hết năm 2018, Việt Nam có gần 27.400 dự án thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động, đến từ 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư cam kết tới 340 tỉ USD, trong đó đã thực hiện hơn 191 tỉ USD.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết trong 30 năm qua, kết quả thu hút và sử dụng FDI là một minh chứng về thành tựu đổi mới và hội nhập của Việt Nam. Khu vực FDI là nguồn vốn bổ sung quan trọng trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, gia tăng năng lực sản xuất; từng bước đưa sản phẩm của Việt Nam tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu...

Sự phát triển của khu vực FDI đã có tác động lan tỏa đến các khu vực khác của nền kinh tế thông qua thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ, tạo sức ép cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất ở khu vực doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thu hút và sử dụng vốn FDI thời gian qua đã bộc lộ những hạn chế, bất cập như liên kết của khu vực FDI với khu vực trong nước và hiệu ứng lan tỏa năng suất chưa cao, chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI chưa đạt hiệu quả mong muốn. Việc thu hút FDI còn tập trung nhiều vào bất động sản trong khi những ngành như nông nghiệp, môi trường còn thấp.Có doanh nghiệp FDI đã thực hiện thủ thuật chuyển giá.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt ra câu hỏi vì sao cùng một thể chế có địa phương rất thành công trong việc thu hút và giải quyết những vấn đề bất cập trong việc thu hút FDI, trong khi cũng có địa phương làm chưa có hiệu quả. Vì vậy, Chính phủ sẽ tổng kết thực tiễn, lắng nghe ý kiến của các địa phương, các doanh nghiệp để tham mưu, trình Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết tổng kết thực tiễn, định hướng về công tác thu hút FDI.

Chính phủ lắng nghe ý kiến để hoàn thiện thể chế, chính sách trong thu hút FDI - 2

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ (thứ ba từ trái sang) trao đổi với nhà đầu tư nước ngoài tại hội nghị.

“Chính phủ rất muốn lắng nghe ý kiến của các DN địa phương, nước ngoài, các tổ chức quốc tế, hiến kế giúp cho Chính phủ hoàn thiện thể chế, chính sách trong thu hút FDI”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị.

Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thông tin, hiện Bình Dương đã thu hút trên 3.500 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài từ 64 quốc gia vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký hơn 32,5 tỷ đô la Mỹ, trở thành địa phương đứng thứ 3 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Năm 2016, tỉnh Bình Dương đã mạnh dạn đổi mới mô hình phát triển, tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư, hình thành động lực tăng trưởng mới cho sự phát triển bền vững qua việc ban hành đề án “Thành phố Thông minh – Bình Dương”.

Ngoài ra Bình Dương cũng đã tiến hành triển khai chương trình đổi mới thu hút đầu tư giai đoạn 2016 - 2020, hướng đến với mục tiêu tập trung thu hút đầu tư vào các đối tác có tiềm lực kinh tế mạnh, các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới, tăng cường kêu gọi, thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ cao...

Đóng góp tại hội nghị, đại diện các địa phương đã nêu lên nhiều câu chuyện thực tế trong quá trình thu hút đầu tư nước ngoài. Nhiều đại biểu nêu kiến nghị cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho hạ tầng, qua đó làm yếu tố nền tảng để thu hút đầu tư…

Các chuyên gia, đại diện cho các tổ chức doanh nghiệp nước ngoài cũng có những kiến nghị đến Chính phủ Việt Nam với mong muốn hoàn thiện thể chế về đầu tư nước ngoài, môi trường tốt để khối doanh nghiệp FDI hoạt động ngày càng tốt hơn.

Trung Kiên

banner_chan-bai.gif