Những thách thức cấp bách nào đang chờ đợi Chính phủ mới
Chiều 8/4, tân Thủ tướng Phạm Minh Chính chính thức nhận bàn giao công việc từ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Quyết định bổ nhiệm 2 Phó Thủ tướng, 12 Bộ trưởng cũng được công bố.
Đất nước kỳ vọng lớn vào Thủ tướng và các thành viên Chính phủ mới.
Trước sự kiện trên, PGS.TS Vũ Minh Khương - Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) cho rằng, nhiều thách thức rất lớn và cấp bách đang chờ Thủ tướng và Chính phủ mới, trong cả nỗ lực điều hành và chiến lược cải cách.
Về điều hành, theo ông, có 4 thách thức nổi bật.
Thứ nhất, đó là làm sao Việt Nam nhanh chóng vượt ra khỏi khủng hoảng đại dịch Covid-19 và tiếp tục tạo nên những thành công ấn tượng mới trong nỗ lực phục hồi và phát triển sau đại dịch.
Thứ hai, đó là các dự án hạ tầng chiến lược, đặc biệt là sân bay, cảng biển, giao thông và hệ thống tàu điện ngầm ở Hà Nội và TP.HCM. Chúng ta phải gấp rút chuẩn bị cho giai đoạn hậu Covid-19, khi mà nhu cầu vận tải và hậu cần tăng nhanh và cao hơn rất nhiều so với thời điểm trước đại dịch.
Thứ ba, đó là hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác hiệu quả hơn các nguồn lực và cơ hội hiện có thông qua đổi mới sáng tạo, không chỉ trong công nghệ mà cả chiến lược kinh doanh. Chúng ta cần có những giải pháp cụ thể giúp doanh nghiệp không chỉ tăng xuất khẩu mà, quan trọng hơn, tăng giá trị gia tăng và năng suất lao động từ mỗi đô la xuất khẩu.
Thứ tư, đó là đẩy nhanh nỗ lực chuyển đổi số trong toàn xã hội, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp, Chính phủ và các trường đại học. Trong nỗ lực này, Chính phủ cần đóng vai trò lớn hơn không chỉ trong thôi thúc mà cả trong việc tạo nên các nền tảng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm và giám sát tiến bộ đạt được từng năm.
Về chiến lược cải cách, Chính phủ cần tập trung vào các thách thức có tính cấu trúc. Đây là các thách thức mà chúng ta không thể vượt qua chỉ bằng nhiệt tâm và nỗ lực điều hành mà đòi hỏi những cải cách đột phá với tầm nhìn chiến lược và ý thức xây dựng nền tảng lâu dài cho một nền kinh tế hiện đại.
Trong nội dung này xây dựng bộ máy công quyền ưu tú, cải cách doanh nghiệp Nhà nước, quy hoạch và quản lý đất đai, nâng cao hiệu lực đầu tư công, chống tham nhũng là những thách thức cần được ưu tiên hàng đầu trong các quyết sách cải cách của Chính phủ.
"Kỳ vọng người đứng đầu Chính phủ sẽ thúc đẩy một Chính phủ hành động"
Trong bài viết đăng tải trên Dân Trí ngày 8/4, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI - cho rằng, Chính phủ nhiệm kỳ vừa qua đã đạt được nhiều thành tựu lớn, song phía trước, cuộc hành trình cải cách và phát triển đất nước còn rất nhiều việc phải làm và rất gian nan.
Ổn định kinh tế vĩ mô phải dựa trên nền tảng vững chắc hơn là một chính sách tiền tệ, tín dụng linh hoạt nhưng thận trọng, phù hợp với tốc độ tăng GDP danh nghĩa và một chính sách tài khóa dựa chủ yếu vào tăng trưởng nguồn thu bền vững từ khu vực sản xuất kinh doanh để giảm được sự lệ thuộc vào đất đai và tài nguyên. Đồng thời, chi tiêu thường xuyên phải giảm được trên cơ sở tinh giản bộ máy hành chính để dành được nhiều nguồn lực hơn cho đầu tư phát triển.
Phải tăng được hiệu quả đầu tư công và huy động được tối đa các nguồn lực từ dân để giải quyết được các nút thắt về cơ sở hạ tầng được dự báo sẽ là một trong những điểm nghẽn lớn nhất trước yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế trong những năm sắp tới.
Về cải cách thể chế, pháp luật kinh doanh còn chồng chéo, thủ tục hành chính vẫn còn phiền hà. Không ít thủ tục hành chính làm khổ người dân vẫn chưa được xóa bỏ...
Những năm qua, trong lĩnh vực cải cách thể chế và thủ tục hành chính, chúng ta đã làm được nhiều việc, nhưng nhiều vấn đề "xương xẩu" khó khăn vẫn còn.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, tân Thủ tướng Phạm Minh Chính là người có công đầu trong việc đưa Quảng Ninh thành "chiếc nôi cải cách" trong thời kỳ mới ở nước ta. "Chiếc nôi cải cách" được gây dựng từ tầm nhìn và các quy hoạch phát triển bền vững: "chuyển từ nâu sang xanh" và các đột phá chính sách cơ cấu thúc đẩy phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển các khu đô thị và công nghiệp..
Do đó, "nhìn lại hành trang mà tân Thủ tướng có được từ những trọng trách đã trải nghiệm, chúng ta có niềm tin về một nhiệm kỳ Chính phủ thành công " - ông Lộc bày tỏ.
Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính có chỉ đạo đầu tiên về sân bay Quảng Trị
Thủ tướng đồng ý giao UBND tỉnh Quảng Trị là cơ quan có thẩm quyền để tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Đây là một trong những chỉ đạo đầu tiên của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính về dự án sây bay Quảng Trị.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Quảng Trị theo hình thức PPP , đồng thời giao tỉnh này làm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện dự án.
Đề nghị này nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý và thuận lợi trong quá trình thực hiện công tác cắm mốc quy hoạch sử dụng đất, giải phóng mặt bằng (GPMB), triển khai thực hiện dự án, tận dụng các nguồn lực sẵn có của địa phương như quỹ đất sạch, hạ tầng kết nối... và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục. UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT sớm phê duyệt chủ trương.
Được biết, hiện đã có nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn bày tỏ sự quan tâm, nghiên cứu đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị theo hình thức PPP.
Nếu đề xuất của Quảng Trị được chấp thuận thì đây sẽ là sân bay thứ hai được đầu tư toàn bộ theo hình thức PPP (Nhà nước chỉ tạo mặt bằng sạch), sau sân bay Vân Đồn - tỉnh Quảng Ninh.
ĐS Cát Linh-Hà Đông: "Rót" tiền tỷ lắp rào an toàn sau khuyến cáo của Pháp
Hà Nội Metro vừa đề xuất với UBND TP. Hà Nội việc đầu tư gần 8 tỷ đồng lắp đặt bổ sung hàng rào ngăn tại khu vực lên, xuống tàu, nhằm đảm bảo an toàn khi khai thác đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (ảnh: Đỗ Linh).
Đề xuất này được đưa ra sau khuyến cáo của Tư vấn Pháp trong quá trình đánh giá an toàn hệ thống dự án mới đây. Trước đó, trong thiết kế ban đầu của dự án không có hệ thống cửa chắn tại các nhà ga, vì vậy Tư vấn pháp yêu cầu bổ sung nhằm đảm bảo an toàn khai thác.
Cửa chắn ke ga hay còn gọi là hàng rào ngăn tại khu vực lên-xuống tàu, được lắp đặt tại 12 nhà ga đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Hà Nội Metro đề xuất UBND TP. Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng, lắp đặt hệ thống cửa chắn ke ga. với mức đầu tư gần 8 tỷ đồng từ nguồn vốn điều lệ của công ty.
Thời gian thực hiện hạng mục cửa chắn ke ga là trong quý II-III/2021. với mức đầu tư gần 8 tỷ đồng từ nguồn vốn điều lệ của công ty. Phương án đề xuất là lắp đặt cửa chắn cố định với cấu tạo dạng Panel cao 1,5m.
Sẽ có "con đường tơ lụa 2" xuyên biên giới Việt Nam - Trung Quốc - châu Âu?
Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam - cho biết như vậy khi trao đổi với PV Dân trí về thực trạng ngành đường sắt và tham vọng phát triển tàu liên vận xuyên biên giới Trung Quốc sang châu Âu .
Ông Minh cho hay, xuất phát từ nhu cầu vận chuyển hàng hóa nên hệ thống đường sắt liên vận quốc tế từ Việt Nam đi Trung Quốc và các nước được ví như "con đường tơ lụa" thứ 2 trên thế giới.
Hiện nay, Việt Nam đang sử dụng đường biển để vận chuyển hàng hóa quốc tế. Thời gian tàu hàng vận chuyển bằng đường biển đi vào các cảng ở Nga, Ba Lan, châu Âu... gấp đôi so với đường sắt. Tuy nhiên, không phải loại hàng hóa nào cũng đảm bảo chất lượng trong thời gian dài vận chuyển, có những loại hàng hóa chấp nhận 15-20 ngày, dài 40 ngày là hỏng.
Vận tải biển hàng nghìn năm nay không tăng tốc độ chạy tàu mà chỉ rút ngắn thời gian xếp dỡ 2 đầu bến. Với vận chuyển bằng đường sắt, thời gian có thể giải quyết được nhanh chóng và giá thành thấp hơn vận chuyển đường biển. Tuy nhiên, nhược điểm là đường sắt Việt Nam chưa kết nối được đồng bộ với đường sắt quốc tế. Vì vậy, đường sắt Việt Nam cực kỳ bị hạn chế.
Mai Chi (tổng hợp)