Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, tính đến hết quý I/2024, Thành phố mới giải ngân được 5.530 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 7% trong tổng số 79.263 tỷ đồng vốn đầu tư công được giao năm 2024. Đây là con số khá thấp so với mục tiêu đề ra là phải giải ngân được trên 10%. Điều đáng nói là, hết quý I, vẫn có nhiều đơn vị chưa giải ngân được đồng nào.
Sốt ruột trước tình trạng giải ngân đầu tư công vẫn ì ạch, ngay từ những tháng đầu năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư liên tục rà soát các dự án không có khả năng giải ngân trong quý I để điều chuyển vốn cho các dự án khác đang cần vốn. Theo đó, đầu tháng 2/2024, Sở có Tờ trình số 1533/TTr-SKHĐT đề xuất UBND TP.HCM chuyển hơn 423 tỷ đồng từ 20 dự án chậm giải ngân sang 71 dự án có tỷ lệ giải ngân cao để đẩy nhanh tiến độ.
Đến ngày 12/4, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục có Tờ trình 4264/TTr-SKHĐT trình UBND Thành phố chuyển 778,5 tỷ đồng từ 43 dự án chậm giải ngân sang 99 dự án có tỷ lệ giải ngân tốt.
Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay, TP.HCM cắt vốn những dự án chậm ngay từ quý I/2024. Đây là biện pháp cần thiết, bởi việc điều chuyển vốn sớm sẽ giúp các chủ đầu tư có thời gian đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa dự án vào hoạt động, tránh lãng phí.
Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, để đạt được mục tiêu giải ngân từ 30% vào quý II và 70% vào quý III, Sở sẽ tiếp tục rà soát để có những đợt điều chuyển vốn nhằm đạt tỷ lệ giải ngân 95% vào cuối năm.
Được biết, từ đầu năm đến nay, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký ban hành 5 văn bản chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy giải ngân đầu tư công năm 2024. Đồng thời, Thành phố ban hành chương trình hành động thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, trong đó cụ thể hóa các nhiệm vụ của từng cơ quan đơn vị tham gia trong hoạt động đầu tư công của Thành phố gắn với trách nhiệm trong lĩnh vực do mình quản lý, thực hiện.
Ảnh minh hoạ |
Trong các cuộc họp kinh tế - xã hội hàng tháng, Chủ tịch UBND TP.HCM luôn nhấn mạnh, việc giải ngân vốn đầu tư công không chỉ là “vốn mồi”, mà còn kéo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thành phố đi lên. Dù đã xác định đúng mục tiêu và tập trung vào các nhóm giải pháp chính như rút ngắn thời gian làm thủ tục và phê duyệt dự án đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; quy trách nhiệm cho người đứng đầu…, nhưng mọi thứ chưa có nhiều chuyển biến.
Trong chỉ đạo mới nhất, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu rà soát lại tỷ lệ giải ngân theo từng quý mà các đơn vị cam kết để xử lý nghiêm các nhà thầu yếu kém, chây ì. UBND TP.HCM cũng đưa ra danh sách các đơn vị cam kết giải ngân trong quý I/2024, đơn vị nào không hoàn thành cam kết, người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Thành phố.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, đấu thầu, khởi công các dự án mới trong năm 2024 đã được quyết định chủ trương đầu tư, gồm 12 dự án nhóm A và 131 dự án nhóm B. Đẩy nhanh thủ tục đầu tư, thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án lớn như cao tốc TP.HCM- Mộc Bài; đường Vành đai 2 (đoạn 1 và 2), cầu đường Nguyễn Khoái; đường Vành đai 4; dự án trang thiết bị 3 bệnh viện cửa ngõ…, để tăng năng lực hấp thu vốn.
Chủ tịch UBND TP.HCM cũng ra “tối hậu thư” cho các dự án đang thi công, như đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa; nút giao thông An Phú; nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ; mở rộng đường Dương Quảng Hàm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư để hoàn thành trong năm nay…
Theo Lê Quân
Báo Đầu Tư