Fica
  1. Thời sự

Cảnh giác với iPhone "kích pin", kém chất lượng tràn lan trên thị trường

Những chiếc iPhone đã 3-4 năm tuổi nhưng vẫn được quảng cáo là "pin 100%, ít lần sạc" nhiều khả năng là loại hàng kém chất lượng. Chúng được làm giả thông số bằng phần mềm và bán với giá cao.

Từ phiên bản iOS 11.3 ra mắt vào năm 2018, Apple đã tích hợp lên những chiếc iPhone tính năng theo dõi tình trạng pin. Tính năng này cho phép người dùng có thể kiểm tra được thông tin chi tiết về tình trạng chai pin của thiết bị. 

Nếu tình trạng pin ở mức dưới 80%, Apple sẽ đưa ra cảnh báo rằng hiệu năng của máy có thể sẽ bị giảm, đồng thời khuyến nghị thay pin mới. Tuy nhiên, rất nhiều người dùng tại Việt Nam đang hiểu sai về tác dụng của tính năng này khi dùng nó để đánh giá "độ mới" của một chiếc iPhone qua sử dụng.

Cảnh giác với iPhone kích pin, kém chất lượng tràn lan trên thị trường - 1

Nhiều người dùng tại Việt Nam có thói quen dùng tình trạng pin để đánh giá "độ mới" của một chiếc iPhone cũ.

"iPhone X, XS Max hàng qua sử dụng như mới, chưa tháo máy, dung lượng pin đạt 100%, chỉ vừa trải qua 10-20 chu kỳ sạc", đây là một trong những lời mời chào mua iPhone mà người dùng có thể dễ dàng bắt gặp trên các hội nhóm bán điện thoại hoặc trang rao vặt.

Theo nhận định từ các chuyên gia, việc những chiếc điện thoại đã 3-4 năm tuổi như iPhone X hay XS Max nhưng vẫn được quảng cáo có "dung lượng pin 100%, ít lần sạc" có thể là chiêu trò của một số cửa hàng nhỏ lẻ nhằm bán hàng kém chất lượng.

"Đây có thể là những mẫu máy đã được "kích pin". Thông số này được làm giả bằng phần mềm chuyên dụng. Thậm chí, phần mềm này còn có thể thay đổi nhiều thông tin quan trọng khác trên iPhone như số IMEI hay mã máy", ông Đức Huy, kỹ thuật viên của một hệ thống sửa chữa điện thoại tại Đống Đa, Hà Nội chia sẻ.

Ông Huy cho biết thêm rằng sau khi phần mềm ghi đè các thông tin giả vào máy, thiết bị sẽ không thể hiển thị thông số thật, ngay cả khi người dùng thực hiện khôi phục cài đặt gốc. Vì thế, việc phát hiện những chiếc iPhone "kích pin" cũng rất phức tạp.

"Khi mua iPhone qua sử dụng, nhiều người dùng có tâm lý chọn những máy ít lần sạc, dung lượng pin đạt mức 99% hoặc 100%. Khách hàng cho rằng những mẫu máy này sẽ "mới" hơn và có chất lượng tốt hơn. Nắm được tâm lý này, nhiều cửa hàng nhỏ lẻ có thể làm giả thông số để dụ người dùng, thậm chí bán máy với mức giá cao hơn khoảng 500.000-1 triệu đồng", ông Hoàng Giang, chủ một hệ thống kinh doanh iPhone lâu năm tại Nguyễn Khang, Hà Nội cho biết.

Ông Giang nói thêm rằng hiện chưa có giải pháp nào để phát hiện iPhone "kích pin" trong thời gian ngắn. Muốn kiểm tra được tình trạng pin thật của thiết bị, người dùng sẽ buộc phải sử dụng máy trong tối thiểu 7 ngày, từ đó mới có thể đưa ra các đánh giá.

Cảnh giác với iPhone kích pin, kém chất lượng tràn lan trên thị trường - 2

Theo các chuyên gia, việc phát hiện iPhone "kích pin" sẽ tốn khá nhiều thời gian.

Trên thực tế, những chiếc iPhone "kích pin" thường sẽ không thể duy trì hoạt động ổn định trong khoảng thời gian dài. Nếu thiết bị của bạn thường xuyên gặp phải tình trạng sụt pin nhanh, nóng máy hay thậm chí liên tục bị sập nguồn dù máy vẫn hiển thị còn pin, người dùng cần lập tức liên hệ với cửa hàng để được hỗ trợ đổi máy khác.

"Để tránh mua phải những chiếc iPhone bị "kích pin", người dùng nên tìm đến các cửa hàng uy tín, có chế độ bảo hành, đổi trả sản phẩm rõ ràng, minh bạch. Ngoài ra, với những dòng iPhone ra mắt từ lâu nhưng vẫn được quảng cáo có phần trăm pin quá cao, người dùng cũng nên hết sức thận trọng", đại diện hệ thống Hnam Mobile chia sẻ.

Thế Anh