Giá điện chưa hấp dẫn, khó khăn trong hút vốn
Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030 khoảng 128,3 tỷ USD.
Trong đó, cho nguồn điện là 95,4 tỷ USD, cho lưới điện khoảng 32,9 tỷ USD. Cơ cấu trung bình vốn đầu tư nguồn và lưới là 74% và 26% đối với hai hạng mục này.
Tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2031-2045 khoảng 192,3 tỷ USD; trong đó, nguồn điện 140,2 tỷ USD, lưới điện khoảng 52,1 tỷ USD. Cơ cấu trung bình vốn đầu tư nguồn và lưới là 73% và 27%.
Giai đoạn 2031 - 2045, trung bình mỗi năm cần đầu tư khoảng 12,8 tỷ USD (9,3 tỷ USD cho nguồn và 3,4 tỷ USD cho lưới).
Cần một lượng tiền lớn để đầu tư phát triển các dự án điện.
Mặc dù cần lượng tiền lớn từ vốn tư nhân để phát triển ngành điện song dự thảo Quy hoạch điện VIII cho biết, giá điện của Việt Nam còn chưa thực sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, dẫn tới khó khăn trong huy động tài chính đối với các dự án điện trong cả khu vực nhà nước cũng như khu vực tư nhân, khu vực đầu tư nước ngoài.
Về đầu tư vào ngành điện, hiện tại đầu tư tư nhân đóng góp chưa nhiều, nguồn lực tập trung chủ yếu từ phía Nhà nước (các tập đoàn, tổng công ty nhà nước). Trong khi đó, các dự án nguồn điện, đặc biệt là các dự án ngoài EVN thường bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch.
Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2016-2030 có tổng cộng 116 dự án nguồn điện cần được đầu tư và đưa vào vận hành (chưa bao gồm các dự án năng lượng tái tạo).
Sau 4 năm thực hiện, nhiều dự án đã không được thực hiện như: Quốc hội thông qua chủ trương dừng thực hiện các dự án Điện hạt nhân tại Ninh Thuận (4.600MW); các dự án điện than ở Bạc Liêu, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Long An, Tiền Giang không được triển khai, trong khi nhiều địa phương khác đề nghị bổ sung các trung tâm điện khí mới như Bạc Liêu, Bà Rịa Vũng Tàu, Ninh Thuận....
Nhiều dự án điện BOT bị chậm tiến độ do thời gian chuẩn bị đầu tư, đàm phán bộ hợp đồng BOT kéo dài (Vân Phong I, Vĩnh Tân III, Nghi Sơn II, Vũng Áng II, Nam Định I...). Các dự án điện than do chủ đầu tư tư nhân thực hiện gặp nhiều khó khăn trong huy động vốn đầu tư dẫn đến chậm trễ kéo dài như Công Thanh, An Khánh - Bắc Giang …
Cách nào để huy động vốn?
Để thực hiện, Viện năng lượng - Bộ Công Thương đã đề xuất loạt các giải pháp, cơ chế thực hiện quy hoạch.
Cụ thể như việc đề xuất sửa đổi Luật Điện lực theo hướng linh hoạt hơn đối với yêu cầu đầu tư các công trình điện, đảm bảo thu hút mọi nguồn lực xã hội trong phát triển ngành điện; đề xuất cơ chế xây dựng Kế hoạch phát triển Điện lực trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; đề xuất cơ chế đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư các dự án điện; đề xuất cơ chế xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải....
"Các đề xuất này sẽ từng bước được nghiên cứu, hoàn thiện để đảm bảo thực hiện xây dựng, quản lý và vận hành các công trình điện theo đúng quy hoạch, đặc biệt trong bối cảnh đầu tư từ các nguồn vốn tư nhân, nguồn vốn nước ngoài chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng vốn đầu tư phát triển điện lực", Viện năng lượng cho hay.
Theo quy định của Chính phủ hiện nay, nguồn vốn các dự án bao gồm vốn do Nhà nước đầu tư tại EVN, vốn do EVN tự huy động và các loại vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Trong đó, EVN được quyền huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật để đáp ứng nhu cầu vốn của EVN và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn huy động, hoàn trả đầy đủ cả gốc và lãi vay cho chủ nợ mà EVN đã cam kết.
Về hình thức huy động vốn, có thể phát hành trái phiếu, tín phiếu, kỳ phiếu; vay vốn của các tổ chức tín dụng, các tổ chức tài chính khác, của cá nhân, tổ chức ngoài doanh nghiệp; vay vốn của người lao động và các hình thức huy động vốn khác theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, EVN cũng có thể huy động vốn không sử dụng từ các công ty con có vốn điều lệ thuộc sở hữu của EVN.
Các chuyên gia cũng lưu ý phải xây dựng kịp thời hệ thống hành lang, pháp lý rõ ràng như thay đổi luật Điện lực, xây dựng luật Năng lượng tái tạo. Bởi các nhà đầu tư sẽ không mặn mà bỏ số tiền lớn, đầu tư vài chục năm trong khi hệ thống pháp lý còn nhiều rủi ro.
Theo GS.TSKH Trần Đình Long - Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, điều quan trọng nhất là cần có một chính sách giá hợp lý. Khi nhà đầu tư thấy mức giá bảo đảm thu lại được chi phí bỏ ra và có lợi nhuận, thì họ sẽ đầu tư. Thậm chí, nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn đầu tư cơ sở hạ tầng truyền tải để đảm bảo nguồn lợi nhuận này.
Vị chuyên gia lấy ví dụ về việc đầu tư phát triển điện mặt trời, điện mặt trời mái nhà trong thời gian vừa qua. Trước khi có chính sách ưu đãi về giá, cơ quan quản lý Nhà nước hô hào mãi nhưng rất ít nhà đầu tư tham gia, nhưng khi có chính sách ưu đãi thì các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực này rất nhiều.
Theo chuyên gia, để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực điện lực, cơ quan quản lý Nhà nước cần cho nhà đầu tư biết rõ cơ chế ưu đãi thế nào, vận hành như thế nào để tính toán phương án đầu tư, kinh doanh; đồng thời thúc đẩy hoàn thiện cơ chế đấu thầu, xác định giá cạnh tranh, bảo đảm minh bạch, khách quan...
Nguyễn Mạnh