Fica
  1. Thời sự

Cấm tuyệt đối các phương tiện qua cầu Thăng Long từ 6h sáng mai

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa phát thông tin “đóng cửa”, cấm cầu Thăng Long - Hà Nội để sửa chữa. Theo đó, cấm tuyệt đối các phương tiện lưu thông qua cầu Thăng Long từ 6h sáng mai (28/7).

Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng được xây dựng từ tháng11 năm 1974 và hoàn thành vào tháng 5/1985. Sau 35 năm khai thác, phần mặt đường trên cầu đã xuất hiện các hư hỏng.

Với đặc điểm kết cấu phức tạp (cầu dàn thép 2 tầng cho đường bộ và đường sắt, chiều dài nhịp lớn, dàn thép liên tục trên nhiều nhịp), mặt cầu đồng thời phải chịu các tải trọng xe chạy trên cầu, tải trọng tầu hỏa, lực gió ngang, nhiệt độ... tạo ra các dao động chuyển vị biến dạng, ứng suất lớn đồng thời theo các phương khác nhau.

Việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long một cách căn cơ để khai thác êm thuận, an toàn, bền vững lâu dài và khai thác đồng bộ với đường vành đai 3 là hết sức cần thiết và cấp bách.

Tổng mức đầu tư dự án sửa chữa cầu Thăng Long là 269,3 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư là kinh phí sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ cho công tác quản lý bảo trì quốc lộ. Nhà thầu thi công là nhà thầu Việt Nam. Thời gian thực hiện sửa chữa là 150 ngày.

Cấm tuyệt đối các phương tiện qua cầu Thăng Long từ 6h sáng mai - 1

Cấm tuyệt các phương tiện lưu thông qua cầu Thăng Long từ 6h sáng 28/7 (ảnh: Quân Đỗ)

Được biết, giải pháp sửa chữa đơn vị thi công sẽ gia cường mặt cầu thép trực hướng hiện tại thành mặt cầu liên hợp nhẹ. Dự án đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công công nghệ mới của châu Âu, công nghệ này được sử dụng nhiều ở Mỹ và Trung Quốc nhưng là lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam.

Về phương án phân luồng, tổ chức đảm bảo giao thông phục vụ thi công dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết đã yêu cầu các Sở Giao thông vận tải (GTVT) và Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam thông báo cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp vận tải, các bến xe khách trên địa bàn tỉnh, thành phố về thời gian và lộ trình phân luồng tổ chức đảm bảo giao thông phục vụ thi công dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long, để có kế hoạch điều chỉnh thời gian, luồng tuyến lưu thông vận chuyển hành khách và hàng hóa cho phù hợp.

Tầng 2 cầu Thăng Long, cấm tuyệt đối các phương tiện lưu thông trong thời gian sửa chữa; bắt đầu từ 6h ngày 28/7.

Tầng 1 cầu Thăng Long: Tầu hỏa lưu thông qua cầu Thăng Long với tốc độ ≤ 5km/h trong thời gian sửa chữa; xe mô tô, xe máy, xe thô sơ lưu thông bình thường.

Phân luồng từ xa các xe tải (có khối lượng toàn bộ ≥1,25 tấn theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường) và xe khách ≥ 16 chỗ ngồi, đi từ các tỉnh phía bắc về khu vực phía Nam cầu Thăng Long.

Phân luồng giao thông nội bộ đối với các phương tiện đi và đến khu vực hai đầu cầu Thăng Long.

Để đảm bảo hạn chế tối đa ảnh hưởng đến nhu cầu, đời sống dân sinh tại khu vực phía Nam cầu Thăng Long và phù hợp với Quyết định số 06/2013/QĐ-UBND ngày 21/01/2013 của UBND Thành phố Hà Nội, cho phép các loại phương tiện xe tải lưu thông theo giờ trên đường Phạm Văn Đồng - Tân Xuân - An Dương Vương - Cầu Nhật Tân và ngược lại như sau:

Ngoài giờ cao điểm từ 19h30 - 6h00; từ 9h - 16h30 hàng ngày: Cấm xe tải có khối lượng toàn bộ từ 1,25 tấn - 10 tấn theo giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Cấm xe tải có khối lượng toàn bộ từ 10 tấn trở lên (theo giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường), xe chở container, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, xe đầu kéo kéo sơ mi rơ mooc, xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn... hoạt động trên tuyến đường Phạm Văn Đồng - Tân Xuân - An Dương Vương - Cầu Nhật Tân.

Đối với xe khách tuyến cố định có điểm đi, đến Bến xe Mỹ Đinh, Bến xe Yên Nghĩa và các tuyến xe buýt có lộ trình đi qua cầu Thăng Long, lộ trình lưu thông theo phương án phân luồng tổ chức giao thông.

Đối với các phương tiện xe hợp đồng chở công nhân: Các phương tiện có lộ trình qua cầu Thăng Long và ngược lại đi theo hướng Phạm Văn Đồng → Đường Đỗ Nhuận, Đường DT1, (Khu đô thị Tây Hồ Tây - Ngoại giao đoàn) → đường Võ Chí Công đi Cầu Nhật Tân và ngược lại.

Châu Như Quỳnh