Fica
  1. Thời sự

Cải cách kinh doanh chùng xuống, nhiều chỉ số đi… ngược dòng

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Kết quả xếp hạng cải cách thể chế và môi trường kinh doanh cho thấy chưa có cải thiện rõ nét, thậm chí nhiều chỉ số còn đi ngược dòng cải cách…

Trong 10 tháng năm 2022, Chính phủ đã ban hành hơn 10 văn bản (Nghị quyết của Chính phủ) có nội dung chỉ đạo về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh.

Trong 10 tháng năm 2022, Chính phủ đã ban hành hơn 10 văn bản (Nghị quyết của Chính phủ) có nội dung chỉ đạo về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh.

Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết tình hình triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP: Kết quả, bài học và kiến nghị ngày 9/12, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết mức độ quan tâm đến cải cách môi trường kinh doanh đang có xu hướng chùng xuống, chưa được như kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp.

“Ở một số nơi, một số lĩnh vực có phần khó khăn hơn; một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững, thậm chí có xu hướng tụt hạng, không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà cả với cán bộ thực thi. Vì thế, niềm tin của doanh nghiệp vào cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh còn mong manh”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

MÔI TRƯỜNG KINH DOANH CÒN BẤT CẬP, NHIỀU CHỈ SỐ GIẢM BẬC

Trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu giảm điểm hoặc giảm bậc. Chẳng hạn, so với năm 2021, chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2022 của Việt Nam theo đánh giá của Tổ chức sở hữu trí thế giới (WIPO) giảm 4 bậc (từ vị trí xếp hạng thứ 44 xuống 48), Chỉ số Phát triển bền vững (SDG) theo đánh giá Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững (SDSN) của Liên hợp quốc (UN) cũng giảm 4 bậc (từ vị trí 51 xuống vị trí 55) dù vẫn duy trì điểm số (72,8 điểm), Mức độ tham gia Chính phủ điện tử giảm điểm và giảm 2 bậc (từ thứ 70 xuống 72)…

Theo lý giải của Thứ trưởng Trần Duy Đông, các chỉ số trên tụt hạng là do các tổ chức đánh giá điều chỉnh phương pháp tính toán và cập nhật dữ liệu. Do vậy, nhiều chỉ số của Việt Nam chưa có đầy đủ cơ sở để đánh giá về mức độ cải thiện.

“Song thực tế này cho thấy, cải thiện vị trí trên các bảng xếp hạng của thế giới ngày càng phức tạp và thách thức hơn nhất là trong bối cảnh nền kinh tế vừa trải qua giai đoạn khó khăn bởi dịch bệnh và đang đối mặt với nhiều biến động khó lường”, ông Đông nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), môi trường kinh doanh đang tồn tại một số bất cập cần sớm được khắc phục.

Cải cách kinh doanh chùng xuống, nhiều chỉ số đi… ngược dòng - Ảnh 1

Thứ nhất, nhiều văn bản pháp luật hiện hành chưa đảm bảo tính thống nhất, phù hợp và khả thi (nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường,…), là nguyên nhân chính làm phát sinh nhiều chi phí cho doanh nghiệp và dẫn đến khó khăn cho địa phương trong giải quyết thủ tục đầu tư, kinh doanh.

Thứ hai, bên cạnh áp lực nặng nề bởi chi phí xăng dầu tăng, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí BOT dầy đặc, doanh nghiệp vẫn đang chịu rất nhiều gánh nặng chi phí khác, ví dụ như chi phí tuân thủ (như chi phí tuân thủ các quy định về điều kiện kinh doanh, phí hạ tầng cảng biển,…).

Thứ ba, kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt ở một số thị trường là đối tác thương mại quan trọng làm kéo dài thời gian thông quan và tạo gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.

Thứ tư, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến còn nhiều hạn chế, mang tính hình thức. Mặt khác, còn thiếu sự kết nối liên thông thủ tục hành chính trực tuyến giữa các cơ quan quản lý nhà nước.

DOANH NGHIỆP LÀ TRUNG TÂM CỦA CẢI CÁCH

Trước thực tế này, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng để tạo động lực cho nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng, cải cách môi trường kinh doanh là giải pháp không thể thiếu và cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt và tăng tốc hơn nữa của các Bộ, ngành, địa phương.

“Đặc biệt sang năm 2023, nhiều tổ chức dự báo kinh tế Việt Nam thậm chí sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức hơn. Vì thế, những giải pháp cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh cần được coi trọng hơn, cụ thể hơn, có địa chỉ hơn và nỗ lực thực thi phải mạnh mẽ hơn”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Thứ trưởng đề nghị tiếp tục thực thi Nghị quyết số 02 một cách có hiệu quả và trách nhiệm. Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục coi trọng cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; trực tiếp chỉ đạo thực hiện Nghị quyết.

Các hoạt động đối thoại, trao đổi với người dân và doanh nghiệp cần thực chất hơn và giải quyết ngay được các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp chứ không chỉ là lắng nghe vấn đề của doanh nghiệp.

Cũng theo Thứ trưởng, cần có cơ chế tạo động lực khuyến khích sáng tạo, đảm bảo an toàn để các cán bộ, công chức yên tâm thực thi công vụ.

Còn theo ông Nguyễn Hoa Cương, cần đảm bảo kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ công chức trong thực thi công vụ; xử lý nghiêm cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp; áp dụng đầy đủ nguyên tắc về quản lý rủi ro trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.

 Đặc biệt, ông Cương đề nghị thường xuyên tổ chức đối thoại với người dân và doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt các phản hồi chính sách và giải quyết khó khăn, vướng mắc…

Về phía các Hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong các hiệp hội và doanh nghiệp tích cực phản biện và đóng góp chính sách, phản ánh các vấn đề, vướng mắc, khó khăn và tích cực đề xuất các kiến nghị chính sách và cách thực thi chính sách; tích cực hợp tác trao đổi, chia sẻ các mối quan tâm của nhau, ủng hộ lẫn nhau trong đề xuất các sáng kiến, kiến nghị cụ thể về cải thiện môi trường kinh doanh.

Theo Anh Nhi

VnEconomy