Nhập siêu trở lại
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2021 của Tổng cục Thống kê cho thấy, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, tác động đến hoạt động sản xuất của một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp khiến kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 6 giảm nhẹ so với tháng trước, tuy nhiên vẫn đạt tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 6/2021 ước tính đạt 54 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 316,73 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4%; nhập khẩu đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1%. Riêng trong 15 ngày đầu tháng 6, cán cân thương mại tiếp tục nghiêng về nhập siêu với mức 1,35 tỷ USD. Đáng chú ý, lượng hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh phần lớn đến từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với kim ngạch đạt 85,5 tỷ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cán cân thương mại 6 tháng đầu năm 2021 ước tính nhập siêu 1,47 tỷ USD. Trong khi cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,86 tỷ USD. Như vậy, sau một thời gian dài liên tục xuất siêu, 6 tháng đầu năm nay cán cân thương mại đã đổi chiều, chuyển sang nhập siêu.
Lý giải về con số nhập siêu này, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân chủ yế do dịch bệnh Covid-19 tác động đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là việc các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp lớn như Bắc Giang, Bắc Ninh bị dịch bệnh xâm nhập, khiến cho việc sản xuất tại các khu công nghiệp bị ngưng trệ. Đặc biệt là các lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, da giày đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Nhiều khu công nghiệp công nhân phải nghỉ việc, sản xuất gián đoạn hàng tháng trời. Đơn cử như công ty may Đáp Cầu, trong làn sóng Covid-19 lần thứ 4 vừa qua, công nhân đã phải tạm nghỉ một thời gian để phòng tránh dịch bệnh khiến cho việc sản xuất hàng may mặc tại công ty này bị gián đoạn.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang, dệt may là ngành xuất khẩu lớn, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu lại phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu. Chính bởi vậy, ngay cả các đơn hàng đã dày lên so với trước, nhưng việc nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất của ngành này sẽ tác động đến kim ngạch nhập khẩu. Theo vị này, để phục vụ cho các hợp đồng xuất khẩu trong thời gian tới, việc nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất đã tăng mạnh trên 20%, riêng vải may mặc đạt gần 5,9 tỷ USD, tăng 30,9%.
Không hẳn đáng lo
Tuy nhiên, nhận định về con số nhập siêu, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, đây hoàn toàn không phải là điều đáng lo ngại. Ngược lại, theo ông Hải, nhập khẩu tăng lên là tín hiệu đáng mừng. Thâm hụt cán cân thương mại không có gì bất thường vì các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu thuộc nhóm nguyên liệu phục vụ sản xuất để xuất khẩu. Thời điểm này, nhiều ngành sản xuất công nghiệp bắt đầu phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ trở lại như điện tử, điện thoại di động, dệt may, da giày... Các doanh nghiệp xuất khẩu có đơn hàng cần phải nhập khẩu nguyên phụ liệu, linh phụ kiện về để sản xuất, đó là điều đương nhiên.
Đáng chú ý, các khu công nghiệp tại Bắc Giang, Bắc Ninh sau một thời gian tạm ngưng hoạt động để phòng chống dịch, nay đã hoạt động trở lại, cho thấy sản xuất bắt đầu phục hồi. Những DN ngành may như công ty may Đáp Cầu, công nhân đã đến sản xuất trở lại phục vụ các đơn hàng cho những tháng cuối năm. Và như vậy, cơ hội để xuất khẩu tăng trưởng mạnh trở lại đang ở phía trước. “Các nhà máy ở khu vực Bắc Ninh, Bắc Giang đã khôi phục trở lại sản xuất bình thường và cố gắng để có thể đẩy mạnh sản xuất nhằm bù đắp lại phần thiếu hụt của hai tháng vừa qua” – ông Hải nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA cũng sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam từ nay đến cuối năm và những năm tiếp sau đó. Việc trái vải, trái xoài cùng nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam được thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Úc... vụ mùa vừa qua là một minh chứng cho thấy, khả năng phục hồi, tăng trưởng xuất khẩu của chúng ta là trong tầm tay.
Có thể khẳng định, với những diễn biến của nền kinh tế cho thấy, con số nhập siêu chưa hẳn đáng lo, nó chỉ khẳng định thêm sự phục hồi năng lực sản xuất của các DN trong nước. Tuy vậy, giới chuyên gia vẫn khuyến cáo, nhà quản lý cũng cần theo sát tình hình, kiểm soát những nhóm hàng hóa không khuyến khích nhập khẩu để giữ cán cân thương mại lành mạnh.
Thế Hưng