Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Hồng Vân) |
Tại hội nghị cho ý kiến ban đầu về dự án Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo, TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế, trực tiếp tham mưu dự thảo luật này đã đưa ra hai phương án về Quỹ nâng cao sức khỏe để xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, ông Quang cho biết, Phương án 1 là có Quỹ phòng, chống tác hại của rượu, bia và phương án 2 là không có Quỹ phòng, chống tác hại của rượu, bia. Trường hợp không có quỹ thì phải quy định việc dành một phần kinh phí từ thuế tiêu thụ đặc biệt dành cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Tuy nhiên, ông Lợi cho rằng, theo Nghị quyết số 104/NQ-CP ngày 08/8/2018 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018 đã nêu tiếp thu theo hướng không thành lập Quỹ phòng, chống tác hại của rượu, bia.
“Liệu việc thành lập Quỹ phòng chống tác hại của rượu, bia có thực sự nâng cao sức khỏe cho người dân, có thực sự chống được tác hại mà rượu, bia gây nên không?”, ông Lợi đặt nghi vấn.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho hay, việc thành lập Quỹ dẫn đến duy trì bộ máy quản lý Quỹ là không phù hợp với chủ trương tinh giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức quy định tại Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa XII.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, việc đưa vào dự thảo Luật nội dung quy định về Quỹ nâng cao sức khỏe là chưa phù hợp với yêu cầu “Kiên quyết giảm và không thành lập mới các tổ chức trung gian” tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017.
Đồng thời, chưa phù hợp với yêu cầu không thành lập các tổ chức trung gian; chỉ thành lập tổ chức mới trong trường hợp cá biệt thật sự cần thiết do yêu cầu của thực tiễn.
Bên cạnh đó, tại hội nghị, ông Matt Wilson, Giám đốc Ngoại vụ Cấp cao Heineken Viêt Nam cũng cho hay rằng, liệu với nội dung của dự luật hiện tại thì có thay đổi được nhận thức của người tiêu dùng? Có những nội dung điều khoản luật có tác dụng tốt với người tiêu dùng nhưng cũng có 1 số điều khoản chưa đạt được mục tiêu này, thậm chí còn làm ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế.
Lấy dẫn chứng, ông Wilson nói: “Nếu hạn chế quảng cáo thì có đảm bảo thay đổi hành vi người tiêu dùng theo chiều hướng tốt không khi họ không còn được nhìn thấy những nhãn hiệu bia có nguồn gốc rõ ràng nữa?”.
Thêm nữa, việc hạn chế cho các công ty bia tài trợ cho các hoạt động trong nước thì sẽ khiến họ không thể tài trợ cho chương trình thể thao tại Việt Nam nữa.
“Thay vào đó, nguồn tài trợ này sẽ được mang hết cho các sự kiện thể thao ở nước ngoài, giống như hãng Bia Sài Gòn tài trợ cho giải Ngoại hạng Anh vừa qua, thì điều này có ảnh hưởng đến nền kinh tế không?”, đại diện hãng bia Heineken đặt câu hỏi.
Về vấn đề này, theo ông Lợi, việc tài trợ và quảng cáo thì phải tính toán để có mục đích và có lợi. Nếu quảng cáo nhưng vẫn lồng ghép được tác hại vào thì vẫn hơn.
Ngoài ra, ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nhận định rằng: “Phải bàn bạc cho thật kỹ để sau khi luật ra đời thì chúng ta khắc phục được tác hại của rượu bia và vẫn đảm bảo phát triển kinh tế. Muốn vậy thì việc đầu tiên phải làm là sản xuất rượu, bia có chất lượng, có điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn rõ ràng, không ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng”.
Hồng Vân