Báo cáo sơ bộ cuộc giám sát về tình hình 10 năm thực hiện Nghị quyết số 18/2008/QH12 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai thông tin, đến thời điểm này, đoàn giám sát đã thực hiện công việc tại 10 tỉnh, thành, gửi công văn đề nghị các tỉnh thành khác báo cáo về thực hiện Nghị quyết 18. Tới đây, đoàn giám sát sẽ làm việc với các bộ, ngành liên quan và tổ chức phiên giải trình về vấn đề tự chủ bệnh viện trước khi làm báo cáo kết quả giám sát.
UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội họp phiên toàn thể xem xét kết quả giám sát 10 năm thực hiện Nghị quyết 18 về xã hội hoá y tế.
Ông Mai khái quát, đi giám sát trực tiếp 10 tỉnh thì thấy tinh thần nghị quyết 18 đã đi vào cuộc sống. Qua đó, tổ chức bộ máy y tế cơ sở trên địa bàn cả nước đang từng bước được kiện toàn. Lĩnh vực y tế dự phòng được quan tâm hơn. Chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên, chỉ tiêu giường bệnh được đảm bảo. Ứng dụng CNTT trong khám chữa bệnh khá tốt. Chủ trương thay đổi cơ chế quản lý, giao quyền tự chủ cho bệnh viện được thực hiện khá sớm, rộng khắp toàn quốc…
Tuy nhiên, đoàn giám sát cũng nhận thấy vấn đề nổi lên cần giải quyết là việc văn bản hướng dẫn tự chủ cho cơ sở y tế công lập còn thiếu, chậm. Hành lang pháp lý cho hoạt động liên doanh, liên kết theo hình thức đối tác công tư (PPP) chưa có. Bố trí ngân sách cho lĩnh vực y tế man lại hiệu quả chưa cao.
Phó Chủ nhiệm Nguyễn Hoàng Mai dẫn chứng, tỷ lệ chi ngân sách cho lĩnh vực y tế tăng đều hàng năm nhưng số liệu thực tế tại 11 tỉnh, thành lại cho thấy, chỉ 3 tỉnh trong số đó có số chi tăng, 8 tỉnh có xu hướng giảm dần, nhất là khi thực hiện tự chủ bệnh viện. Tiêu biểu, TPHCM năm 2014 mức chi cho y tế tới trên 2.000 tỷ đồng nhưng năm 2018 chỉ còn hơn 1.000 tỷ đôi chút.
Ông Mai băn khoăn, cần xem xét kỹ vấn đề này vì biểu hiện đó không phù hợp với chủ trương chung đề ra trong Nghị quyết 18. Đáng ra tốc độ tăng chi cho y tế phải cao hơn tốc độ tăng chi chung mới đúng.
Đại diện đoàn giám sát cũng đề cập tình trạng đào tạo y dược chưa thực sự có sự thay đổi đột phá trong khi bối cảnh chung của thế giới biến chuyển liên tục, mạnh mẽ. Chính sách thu hút nhân lực y tế còn rất hạn chế. Thu hút nguồn vốn tư nhân, đất đai… cũng ở tình trạng tương tự. Vậy nên số lượng bệnh viện tư nhân còn rất ít ỏi, nhiều địa phương vẫn vắng bóng loại hình dịch vụ này. Tự chủ và xã hội hoá bệnh viện cũng mới chỉ tập trung vào liên doanh liên kết khai thác thiết bị y tế do thiếu hệ thống cơ chế pháp luật để thúc đẩy sự tham gia của nhà đầu tư tư nhân…
Thảo luận về nội dung này, TS.Nguyễn Anh Trí (đại biểu Hà Nội, nguyên Giám đốc Bệnh viện huyết học và truyền máu TƯ) nhận định, kết quả thực hiện tự chủ và xã hội hoá bệnh viện các tỉnh thành phía Nam làm được tốt hơn khu vực phía Bắc. Đó là do nền tảng nhận thức, độ mở tư duy khác nhau giữa các địa bàn.
“Tại nhiều tỉnh thành, giám đốc các bệnh viện phản ánh là dù bệnh viện có được giao tự chủ nhưng cơ quan quản lý vẫn không cho tự chủ một cách thực chất nên đơn vị bó tay bó chân. Tự chủ “nửa vời” gây ra sự lãng phí, kỳ tốn kém vô ích khi mà nhiều bệnh viện đã làm dự án đầu tư, đã đi vay tiền về làm rồi mà lại không được làm đến cùng để ra được dịch vụ hoàn chỉnh tại bệnh viện. Đến mức, có đồng nghiệp của tôi ở phía Nam chia sẻ không dám triển khai khoa thận nhân tạo nữa vì cơ quan quản lý chỉ giao cho một trần thanh toán cố định, đầu tư chắc chắn sẽ lỗ, sẽ đổ” – ông Trí kêu gọi, chính sách đề ra về cơ chế tự chủ, về xã hội hoá bệnh viện cần rộng mở, chặt chẽ, rõ ràng và khả thi hơn.
Ông Trí đánh giá cao việc thí điểm giao quyền tự chủ cho 4 bệnh viện lớn hiện nay nhưng cũng không giấu lo ngại về những rủi ro khi đáng ra việc này cần những cơ chế chặt chẽ, rõ ràng hơn.
Chia sẻ với những tâm tư của đại biểu Trí, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) nhận xét, thực tế, để đạt được những kết quả hiện tại trong việc xã hội hoá lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ người dân, toàn ngành đã trải qua chặng đường rất gian nan, không hề đơn giản.
Muốn đẩy mạnh hơn nữa tiến trình này, ngay chính nhà nước phải vượt qua được mâu thuẫn làm sao vừa thực hiện nhiệm vụ, “thiên chức” cứu người, mặt khác cũng phải tự cường, tự tích luỹ nguồn lực cho ngành. Không dễ vượt qua nút thắt này khi tư duy thường thấy vẫn là cách đặt vấn đề đầy nghi ngại “liệu ngành y tế có đang chạy theo thị trường, quên mất bản chất của mình?”, “dường như bây giờ chỉ người có tiền mới được khám chữa bệnh một cách tử tế?”…
“Vậy nên cần đánh giá tập trung hơn về vấn đề xây dựng chính sách để dư luận không đơn giản nghĩ rằng xã hội hoá bệnh viện nghĩa là nhà nước không chi trả nữa. Các giải pháp tháo gỡ của nhà nước đến lúc này, thực ra, vẫn còn rất rón rén trong khi nhìn sự dịch chuyển chất xám từ khu vực công sang khu vực tư mới thấy dòng chảy mạnh thế nào” – nữ đại biểu so sánh.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trần tình về những vấn đề "khó nói" của ngành.
Chung quan điểm “đột phá”, cởi mở, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội) nhấn mạnh, thay đổi cơ chế tài chính rất cần thiết, là động lực quan trọng để thay đổi ngành y tế. Tự chủ tài chính cũng là công cụ cởi trói cho các bệnh viện. Nhưng vì thiếu hành lang pháp lý rõ ràng, Sở Y tế nào cũng rất dè chừng, không dám làm vì sợ sai.
Giải trình thêm với các ý kiến nêu ra, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phân trần, nghị định hướng dẫn về tự chủ bệnh viện, thông tư quy định về giá dịch vụ y tế theo yêu cầu, thông tư về hoạt động liên doanh, liên kết… đang được tích cực xây dựng nhưng Bộ Y tế bị vướng về thẩm quyền khi việc này liên quan đến vấn đề quản lý, sử dụng tài sản công, hiện được giao cho HĐND các địa phương quyết định.
“Các văn bản đều ở ngưỡng sắp sửa ban hành thì lại vướng điểm này điểm kia, do chúng ta muốn nhiều thứ quá mà không thể cùng một lúc làm nhiều vấn đề thế được” – Bộ trưởng Y tế than.
Bà Tiến cũng phàn nàn: “Chính Bộ Y tế cũng “khó nói” khi đòi hỏi xã hội hoá nhưng cứ có đoàn kiểm tra nào, tới bệnh viện nào cũng lại so sánh, sao bên khám chữa bệnh dịch vụ lại được thế này, người dân dùng BHYT thì thế kia. Các đại biểu lo ngại vấn đề tự chủ ở 4 bệnh viện lớn nhưng thực ra tôi mới là người lo nhất. Áp dụng tự chủ hoàn toàn như một số nước lân cận đã làm thì chắc chắn cũng có vấn đề, những vấn đề đã được cảnh báo nhiều rồi”.
P.Thảo