Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng (Ảnh Như Phúc).
Tại phiên trả lời chất vấn Quốc hội sáng nay (31/10), Đại biểu Phạm Hồng Phong đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Tài chính về vướng mắc trong thanh toán dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) ở nhiều địa phương.
Đại biểu lo ngại, dự án BT hầu hết là chỉ định thầu, tiềm ẩn kẽ hở làm thất thoát ngân sách. "Giải pháp khắc phục thế nào?", ông Phong đặt câu hỏi.
Giải trình nội dung này, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, quá trình rà soát đã phát hiện những bất cập trong thanh toán dự án BT. Theo đó, Bộ Tài chính đã đề nghị các địa phương tạm dừng dùng quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư BT. Bộ cũng đã báo cáo Chính phủ và được đồng ý, giao chủ trì dự thảo Nghị quyết về hướng dẫn dự án chuyển tiếp trong lĩnh vực liên quan.
Theo Bộ trưởng, quyết định 23 trước đây quy định, việc thanh toán dự án BT được xác định theo phương thức ngang giá, song thực tế triển khai ở địa phương thì đều cho phép chỉ định thầu ở hai đầu.
"Phản ánh của đại biểu là rất đúng. Sửa đổi quy định lần này, Bộ Tài chính đề xuất, xác định ngang giá giá trị dự án BT, giá trị đất, tài sản công phải ngang nhau về tiền và phải theo thị trường. Ngoài ra phải đảm bảo ngang giá bằng hiện vật", ông Dũng nói.
Bộ trưởng cũng dẫn ví dụ thực tế có dự án BT chỉ định mảnh đất khoảng 60 ha được định giá 400 tỷ đồng, nhưng tới thời điểm thanh toán tính lại giá đất lên tới 2.000 tỷ đồng.
"Việc xác định giá trị thanh toán dự án BT tới đây sẽ được tiến hành chặt chẽ để đảm bảo ngang về giá trị và hiện vật, tránh tình trạng chuyển dự án sử dụng đất sang chỉ định thầu, các dự án sẽ tuân thủ đấu giá 2 lần", ông nhấn mạnh.
Dù vậy, Bộ trưởng cũng thừa nhận vẫn còn nhiều khó khăn bởi trong khi khá nhiều địa phương có đất sạch đưa ra đấu giá là đúng theo quy định Luật Đất đai thì cũng có địa phương gặp khó khăn về nguồn lực. Trường hợp này, Thủ tướng đã đồng ý cho vay theo quy định, để có nguồn lực giải phóng mặt bằng, lấy đất sạch đấu giá.
Trước đó, phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 29/10, Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) cũng cho rằng các dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) đang có khoảng trống pháp lý.
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho thấy 90% các dự án BT lựa chọn nhà đầu tư qua chỉ định thầu. Chỉ một trong 12 dự án giai đoạn 2013 - 2017 đấu thầu, còn lại 11 dự án được phân giao qua chỉ định thầu. Thời điểm giao đất thanh toán, thời điểm giao dự án còn nhiều bất cập.
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị thu hồi 4.515 tỷ đồng qua các dự án BT. Nhiều dự án, nhà đầu tư được giao nhiều khâu như lập dự án, lập dự toán đầu tư, thẩm định dự án, giám sát dự án… Tuy nhiên, thực chất đều là một người lập nhưng "đẻ" ra nhiều doanh nghiệp. Điều này có thể dẫn đến không đảm bảo tính khách quan, gây thất thoái cho ngân sách.
"Điều này đã làm giảm tính cạnh tranh trong thực hiện dự án. Dự án BT có thể trở nên biến tướng thành giao dịch ngầm giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước", ông Diến bày tỏ lo ngại.
Phương Dung