Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (Ảnh: QH).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, giai đoạn 2017-2021, tỷ lệ điều tiết của TPHCM là 18%, tổng chi ngân sách là 60.369 tỷ đồng, tức là bình quân 7,1 triệu đồng/người.
Đến năm 2021, tổng chi là 69.092 tỷ đồng, tức là bình quân 7,4 triệu đồng/người. Đến năm 2022, kế hoạch tổng chi là 84.121 tỷ đồng, bình quân 8,8 triệu đồng/người. Như vậy theo ông Phớc, chênh lệch cao hơn so với thời kỳ năm trước là 15.029 tỷ đồng, mức tăng thu tăng được 21.675 tỷ đồng. Không phải là tỷ lệ điều tiết mà Bộ trưởng Tài chính cho biết quan trọng là mức chi không thấp hơn năm trước.
Đối với Đồng Nai, theo ông Phớc, năm 2017 chi ngân sách 17.426 tỷ đồng, tỷ lệ điều tiết là 47%. Đến năm 2021 là 19.721,6 tỷ đồng, bình quân là 6,1 triệu đồng/người. Đến năm 2022 đang xây dựng ở mức 21.257,3 tỷ đồng, bình quân 6,5 triệu đồng/người, chênh lệch cao hơn là 1.535,7 tỷ đối với mức chi.
"Đồng Nai có tiềm năng phát triển quỹ đất do hạ tầng tăng lên. Trong tỷ lệ điều tiết không tính tiền xổ số và không tính tiền đất. Nhà nước đang đầu tư sân bay Long Thành với 109.000 tỷ đồng và một số hạ tầng do ngân sách Trung ương đã quyết trong kế hoạch đầu tư công là 11.200 tỷ đồng", ông Phớc nói.
Người đứng đầu Bộ Tài chính "rất mong các tỉnh, thành phố giàu hết sức thông cảm", bởi vì đang lo cho 47 tỉnh nghèo.
"Hiện nay có những tỉnh nghèo đoàn đại biểu Quốc hội chưa có xe ô tô, lãnh đạo tỉnh vẫn đi xe 20 năm, các cơ sở hạ tầng rất thấp kém, chưa có điện, nhiều nơi chưa có trường, trạm", ông Phớc nói.
Về ưu đãi đối với khu công nghiệp sinh thái, ông Phớc cho biết đã có cơ chế đối với khu kinh tế. Hiện nay có 18 khu kinh tế và 377 khu công nghiệp, tổng cộng là 395, đã có chính sách ưu đãi như ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 15 năm, miễn 4 năm, giảm 5% của 9 năm tiếp theo và một số chính sách khác.
Về đề nghị tăng dự toán thu dầu thô, Bộ trưởng Tài chính cũng khẳng định "không tăng" được. Bởi theo Bộ trưởng, sản lượng thực tế hằng năm từ giai đoạn 2016-2020 giảm bình quân 1,45 triệu tấn trên năm, tức là tương ứng 11% và sản lượng khai thác các mỏ hiện tại suy giảm tự nhiên do giếng dầu cạn và rủi ro kỹ thuật địa chất cao cho nên rất khó để tăng sản lượng.
Về tăng tính chủ động của ngân sách Trung ương, Bộ trưởng Tài chính cho biết hiện nay Bộ Chính trị đã giao cho Chính phủ xây dựng đề án để phân cấp quản lý ngân sách, tăng tính chủ đạo của ngân sách trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương, đồng thời sẽ sửa Luật Ngân sách vào thời gian tới.
Sau hai ngày thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách tại hội trường, ông Nguyễn Đức Hải - Phó Chủ tịch Quốc hội - cho biết có nhiều đại biểu đề nghị cần có chương trình phục hồi kinh tế toàn diện, khả thi với những giải pháp mạnh, đột phá, khắc phục được bất cập của thời gian qua. Chương trình cần có kịch bản cụ thể và chia giai đoạn phù hợp với thực tiễn.
Cũng theo ông Hải, có nhiều ý kiến đại biểu cũng đề cập đến bất cập, hạn chế cần được khắc phục. Những giải pháp cần được kiến nghị triển khai ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách và kiểm soát dịch Covid-19.
Các đại biểu thống nhất với nhiều nội dung trong các báo cáo kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, thống nhất lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương để dành nguồn lực kiểm soát dịch và khôi phục kinh tế, cơ bản thống nhất tỷ lệ điều tiết ngân sách chỉ áp dụng riêng cho năm 2022 cho phù hợp với diễn biến phức tạp của tình hình thực tế.
Nguyễn Mạnh