Thưa Bộ trưởng, là trưởng ngành đầu tư, ông có những đánh giá gì về tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2018 và những năm gần đây? Theo ông, kinh tế Việt Nam đã chuyển biến về chất và tăng trưởng theo chiều sâu?
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Mấy năm trở lại đây, kinh tế Việt Nam có tăng trưởng tốt và ổn định. Điều này cho thấy nỗ lực của Chính phủ đang đạt được kết quả tích cực trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang tập trung vào chất lượng.
Còn vài tháng nữa là kết thúc năm 2018, nhiệm vụ phải làm là tập trung vào các giải pháp đề ra trong Nghị quyết 01, rà soát xem có gì làm tốt rồi, cái gì làm dở để đẩy mạnh, cái gì chưa làm được thì tập trung nỗ lực giải quyết.
Theo tôi, nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt của kinh tế Việt Nam hiện nay là tập trung vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế mà Chính phủ đang nỗ lực triển khai. Đây là khâu quyết định cho kế hoạch hoàn thành năm 2018 để làm tiền đề cho kế hoạch 5 năm và cho cả giai đoạn tới.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện nhanh chóng tiến độ các dự án nhằm cải thiện hạ tầng, đây là vấn đề các nhà đầu tư nước ngoài quan ngại về hạ tầng của chúng ta còn kém cạnh tranh.
Nguồn ngân sách đang gặp khó, kinh tế Việt Nam cần dựa vào đầu tư xã hội hóa và nguồn lực từ bên ngoài, chúng ta sẽ có cải cách lớn để tận dụng dòng chảy đầu tư trong thời gian tới?
- Đối với đầu tư nói chung, phải tháo gỡ khó khăn vướng mắc về môi trường đầu tư cho doanh nghiệp tư nhân, ở các khâu các cấp các ngành có nhiều vấn đề. Ở các bộ ngành, tư duy nên tiếp thu, chỉnh sửa. Nếu là vấn đề lớn của Luật thì sắp tới phải trình Quốc hội sửa đổi, tháo gỡ bằng được để giải phóng sức đầu tư toàn xã hội.
Về động lực tăng trưởng, tôi cho rằng chúng ta cần hướng vào thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển, ưu đãi để thành lập doanh nghiệp mới, bên cạnh đó đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công...
Sắp tới, Chính phủ, Bộ KH&ĐT sẽ tổ chức tổng kết 30 năm thu hút FDI để nhìn rõ bức tranh thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đồng thời rút ra nhiều bài học lớn. Vậy chiến lược thu hút FDI sắp tới của Việt Nam sẽ thay đổi?
- Kết quả nói chung có nhiều đóng góp, tuy nhiên có một số hạn chế bất cập mà thời gian gần đây một số ý kiến quan ngại, đó là những ý kiến đúng và có cơ sở.
Chúng ta phải kịp thời đánh giá lại, cái nào chưa được, nguyên nhân hạn chế, nguyên nhân từ đâu?
- Quan trọng nhất tìm ra nguyên nhân ở khâu thể chế, chính sách hay khâu tổ chức thực hiện hay nguyên nhân do năng lực chúng ta chưa tốt, công tác quản lý chưa tốt.
Tìm được nguyên nhân rồi thì có giải pháp điều chỉnh trong giai đoạn tới. Trước bối cảnh mới, biến động mau lẹ của tình hình kinh tế thế giới mới, chúng ta phải định vị lại vai trò của FDI thế nào với nền kinh tế Việt Nam?
Chúng ta nên khẳng định coi FDI là một bộ phận của nền kinh tế, có đóng góp quan trọng và tiếp tục thu hút và sử dụng nó nhưng phải có điều chỉnh về mặt chiến lược, định hướng mang lại hiệu quả, khắc phục được những hạn chế.
Những điều chỉnh chiến lược theo ông sẽ phải là gì? Việt Nam có thể tự chủ để điều chỉnh chiến lược thu hút FDI như nhiều nước đã và đang làm hay không khi họ chặn đứng các dự án gây ô nhiễm, ít vốn và chỉ gây lỡ dở những kế hoạch phát triển đất nước, địa phương?
- Đặt vấn đề là chúng ta phải tiếp tục thu hút nhưng phải có trọng tâm trọng điểm hơn, ví dụ gắn với quá trinh cải cách, tái cơ cấu, gắn với Cách mạng công nghệ lần thứ 4 (Cách mạng 4.0) để khu vực FDI thực sự tạo ra sự lan tỏa vùng miền, liên kết doanh nghiệp nội, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, tập trung dự án thân thiện môi trường, công nghệ cao hơn… Đấy là định hướng lớn trong thời gian tới của Bộ.
Trước đây chúng ta hay quan tâm đầu tư ngành nghề truyền thống, giờ có đầu tư phi truyền thống như mô hình kinh tế chia sẻ, hoàn thiện thể chế để nhà đầu tư nước ngoài vào có điều kiện, cơ chế, hạ tầng, để thu hút họ đồng thời là động lực thúc đẩy doanh nghiệp trong nước.
Bên cạnh nhiều tích cực, khu vực FDI cũng để lại nhiều hệ quả, trong đó có câu chuyện chuyển giá (lãi thật, lỗ giả); trốn thuế, chuyển giao công nghệ cũ, lạc hậu, ông có đánh giá gì về những hạn chế, yếu kém cần khắc phục này?
- Bộ KH&ĐT có thông điệp xuyên suốt cho các nhà đầu tư nước ngoài: Các nhà đầu tư đến đây tìm kiếm lợi nhuận, có hiệu quả mới làm nhưng phải nói lời cảm ơn các nhà đầu tư, ngoài lợi nhuận còn tham gia phát triển kinh tế xã hội, chúng ta có diện mạo kinh tế, đô thị, nông thôn mới nhờ có sự đóng góp của khu vực FDI. Chúng ta cũng tri ân, cám ơn các nhà đầu tư nước ngoài khi họ đến đóng góp cùng Việt Nam phát triển.
Hiện nay, Việt Nam đang hội thủ đủ yếu tố thuận lợi tốt nhất cho môi trường đầu tư thông qua chỉ số, đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế về xếp hạng chỉ số môi trường kinh doanh, tự do và ngân hàng. Chúng ta có thị trường lớn, chính trị ổn định, tham gia nhiều hiệp định, vị thế vai trò cao hơn trong khu vực...
Nhiều vấn đề tồn tại của nền kinh tế đang được khơi thông, trong đó có nỗ lực cải cách hạ tầng, xây dựng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, môi trường thuận lợi cho mọi hình thức đầu tư, trong đó có đầu tư nước ngoài vào Việt Nam... Đây là những cơ sở, động lực để các nhà đầu tư đến, làm ăn lâu dài và đồng hành cùng Việt Nam phát triển.
Nguyễn Tuyền (Lược ghi)