Làm thêm giờ, vì nhu cầu hay vì bức thiết?
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) bày tỏ sự quan tâm với quy định đề xuất về việc làm thêm giờ. Cụ thể, tại Điều 108 dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) quy định mở rộng khung giờ làm thêm tối đa đến 400 giờ/năm (tức tăng 100 giờ/năm so với quy định tại Bộ luật lao động hiện hành).
Theo bà Tâm, tăng thời gian làm thêm giờ, ở mức độ nào thì mới đem lại quyền và lợi ích cho người lao động, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động. Cần phải đứng từ nhiều góc độ để xem xét vấn đề này.
Làm thêm giờ giúp tăng thêm thu nhập cho người lao động, tức đứng ở góc độ này là vì lợi ích của người lao động. Quy định về cơ chế thoả thuận của người sử dụng lao động với người lao động trong dự luật có một khung khá rộng, là cơ hội để người lao động cải thiện thu nhập trong trường hợp người sử dụng lao động muốn đáp ứng những đơn hàng cấp bách, cần thiết.
Nhưng xét ở góc độ đánh giá sự tiến bộ của xã hội thì theo đại biểu, đặt vấn đề làm thêm giờ thì có vẻ như chúng ta đang đi ngược lại tiêu chí này.
“Công nhân có nhu cầu làm thêm giờ là vì cần để có thêm thu nhập vì đồng lương, thu nhập hiện nay còn quá eo hẹp, khó khăn, thiếu thốn so với yêu cầu trang trải cuộc sống tối thiểu. Còn làm thêm có phải vì nhu cầu tự thân của người lao động không thì theo tôi là không vì ai cũng có nhu cầu hưởng thụ, giải trí, chăm lo gia đình, con cái chứ ai muốn đi làm quần quật một ngày đến mười mấy tiếng. Xét trên khía cạnh này thì Quốc hội cần làm sao để người công nhân chỉ cần làm ít giờ nhưng tiền lương và thu nhập vẫn tăng thêm” – đại biểu khuyến cáo.
Bà Quyết Tâm đề cập, có rất nhiều công nhân hàng chục năm ly hương, không về thăm gia đình được, con cái đưa về quê để cho ông bà cha mẹ nuôi. Bày tỏ sự xót xa, bà Tâm đề nghị Quốc hội quan tâm tới vấn đề này khi quyết định về mức làm thêm giờ.
Đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) tán thành việc nâng mức giờ làm thêm đối với những trường hợp đặc biệt như quy định tại khoản C, khoản 2 Điều 108 dự luật nhưng đề nghị xem xét bổ sung thêm quy định việc trả lương lũy tiến làm thêm giờ với mức lương cao hơn. Quy định về mức lương cần thoả thuận, theo bà Mẫn, vô hình cung có thể là gián tiếp khuyến khích doanh nghiệp và người lao động cùng tự đẩy mức độ làm thêm giờ lên.
Việc này, theo đại biểu có thể khiến doanh nghiệp vì mục tiêu sản phẩm, người lao động vì mục tiêu có thêm thu nhập sẽ cùng chấp nhận việc làm thêm giờ quá mức khiến không có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình, con cái, có thể dẫn đến những hệ lụy xã hội đáng tiếc.
Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đánh giá cao quy định khống chế số giờ làm thêm trong 1 ngày không quá 50% số giờ làm việc chính và tổng số giờ làm không quá 12giờ/ngày để tránh tình trạng tăng giờ làm thêm tập trung vào 1 số tháng liên tục trong năm, làm ảnh hưởng tới sức khoẻ của người lao động.
Cũng từ yêu cầu này, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm quy định khống chế tổng số giờ làm việc tối đa trong 1 tháng.
Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu (ảnh: Minh Thu)
Giải trình thêm với vấn đề các đại biểu Quốc hội đặt ra, Bộ trưởng LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, làm thêm là nhu cầu có thật của doanh nghiệp và người lao động hiện nay. Khung giờ làm thêm tối đa như thể hiện trong dự thảo luật chỉ áp dụng với 1 số lĩnh vực, trong một số trường hợp đặc biệt. Khung giờ, theo đó, cũng chỉ tăng thêm từ 300 lên mức 400 giờ/năm, nhất quyết không để vượt quá và cũng chỉ áp dụng với khu vực doanh nghiệp tư, không áp dụng với khu vực công.
Liên quan đến thoả thuận mức lương luỹ tiến cho giờ làm thên, Bộ trưởng Dung lưu ý, 97% doanh nghiệp hiện nay là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ nên chính sách cần tính toán làm sao để đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển bền vững.
Tăng tuổi nghỉ hưu, thêm cơ hội thăng tiến cho phụ nữ
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Gia Lai) – Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam nêu quan điểm, dù nhiều người không đồng tình với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, là lại cho rằng đây là vấn đề cần thiết, cần ủng hộ.
Bà Hà phân tích, tuổi nghỉ hưu hiện nay đã được quy định cách đây gần 60 năm. Tới nay, các điều kiện về kinh tế xã hội, chất lượng dân số, sức khoẻ, tuổi thọ bình quân… đều thay đổi rất nhiều nên việc tăng tuổi nghỉ hưu đã đến thời điểm chín muồi để thực hiện.
Bà Hà cũng nêu một số con số, cách đây 15 năm, mỗi năm Việt Nam có thêm 1,2 triệu người bước vào tuổi lao động, nay chỉ còn khoảng 400.000 người/năm. Dự báo 15 năm tới, mỗi năm, số lao động mới chỉ đạt 200.000 người/năm. Như vậy, việc thiếu lực lượng lao động là một tương lai… không xa.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại phiên thảo luận
Từ góc độ bảo vệ nữ giới, đại biểu nhận định, việc tăng tuổi hưu đồng nghĩa với tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội, theo đó, chắc chắn lương hưu của lao động nữ sẽ tăng. Tăng tuổi hưu còn tác động tích cực tới sự phát triển sự nghiệp và sự tiến bộ của phụ nữ do có thêm cơ hội trong đào tạo, quy hoạch, bồi dưỡng, bổ nhiệm cũng như công tác cán bộ. Thực tế, hiện tại, do tuổi nghỉ hưu nữ trước 5 năm, nên dẫn tới các quy định về độ tuổi tham gia đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm với nữ sớm hơn nam giới 5 năm.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đánh giá, tăng tuổi nghỉ hưu thời điểm này là hợp lý, giúp củng cố quỹ lương hưu, giúp tận dụng tiềm năng trí tuệ kinh nghiệm của người lao động ở những năm tháng làm việc sau cùng, giúp tận dụng cơ cấu dân số vàng hiện nay để chuẩn bị cho quá trình già hoá dân số tới đây, tránh tình trạng bị động như một số nước Nhật Bản, Hàn Quốc đã, đang trải qua.
Ông Phương cũng cho rằng, ban soạn thảo luật đưa ra lộ trình tăng tuổi như phương án 1 là hợp lý vì nếu mỗi năm tăng thêm 3 tháng với nam, 4 tháng với nữ thì sau 16 -18 năm nữa mới đạt tới đỉnh của tuổi nghỉ hưu. Thời gian đó đủ để cả nước chuẩn bị cho quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao hơn cho giới trẻ, phù hợp với xu hướng hiện đại hoá, tự động hoá trong sản xuất, không cần sử dụng nhiều sức lực cơ bắp của con người thì khi đó người lao động hoàn toàn có thể đảm bảo sức khoẻ cho việc tăng thêm một vài năm làm việc.
Chốt lại phiên thảo luận, Bộ trưởng LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung nhận định, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chưa bao giờ là dễ với tất cả những nước đã thực hiện. Kinh nghiệm được chia sẻ từ những quốc gia này là cần quyết định sớm khi còn thặng dư lao động. Thêm nữa, thông thường, người dân và người lao động không đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu nhưng việc quyết định cần tính trên cơ sở vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Ngoài ra, quá trình xử lý việc tăng tuổi cũng cần phân loại theo các nhóm.
“Tôi khẳng định việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, đích vạch ra là đến 2035 với nữ, 2029 với nam. Trong khi theo tính toán, đến 2030 Việt Nam bước vào giai đoạn nước phát triển trung bình cao, 2045 trở thành một nước phát triển. Khi đó, tình tình sức khoẻ, điều kiện sống, điều kiện kinh tế của người dân… sẽ thay đổi nhiều, phù hợp với việc tăng tuổi làm việc” – Bộ trưởng Dung thuyết phục.
Về tình hình lao động, Bộ trưởng cho biết, từ 2014, Việt Nam bắt đầu quá trình chuyển từ dân số vàng sang giai đoạn giảm, dù chưa phải là già hoá dân số. Cùng với con số thể hiện số lượng lao động mới giảm hàng năm, Bộ trưởng Lao động cũng lưu ý, Việt Nam hiện là 1 trong 8 nước có tỷ lệ lao động thất nghiệp thấp nhất thế giới, chỉ 2,2%. Đó là những yếu tố phù hợp với việc tăng tuổi nghỉ hưu.
N.S