Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể bày tỏ lo lắng khi kế hoạch di dời cảng biển, một số lượng lớn hàng hóa khu vực sông Cấm sẽ di dời ra Lạch Huyện. Trong khi đó, hiện, tuyến đường Tân Vũ - Lạch Huyện nhiều thời điểm đã xuất hiện tình trạng ùn tắc do phải đảm đương lượng phương tiện lớn phục vụ cho nhà máy sản xuất ô tô và du lịch tại khu vực Cát Bà.
Để giải quyết tình hình nói trên, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) yêu cầu Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với đơn vị tư vấn nghiên cứu trong tương lai, nếu gần 20 cầu cảng tại Lạch Huyện được hoàn thành và đi vào hoạt động, công suất là bao nhiêu? Lượng hàng hóa phải vận chuyển như thế nào? Từ đó, đánh giá xem hạ tầng giao thông hiện hữu có thể đáp ứng nhu cầu của hàng hóa.
Cảng Lạch Huyện là cảng biển nước sâu lớn nhất khu vực phía Bắc |
Nếu không đáp ứng được, trục kết nối ra cụm cảng Lạch Huyện cần thêm bao nhiêu cây cầu? Mặt đường mở thêm thêm bao nhiêu làn xe? Có cần phải nghiên cứu hình thành tuyến đường chuyên dụng dành riêng cho phương tiện đến cảng? Tại khu vực cảng đã có đủ kho, bãi tập kết hàng hóa phục vụ phát triển chuỗi logistics
“Quy hoạch đánh giá được chi tiết thì hệ thống cụm cảng mới phát huy được hiệu quả khai thác. Nếu quy hoạch hời hợt, Lạch Huyện sẽ rất dễ đi vào “vết xe đổ” của Cái Mép - Thị Vải trong thời gian đầu tiên, công suất thì mênh mông nhưng tiếp cận có hạn, bến cảng thì nhiều nhưng công suất khai thác chỉ đạt được 20 - 30%” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Người đứng đầu ngành GTVT cũng cho rằng cần phải xem xét, đánh giá sau khi di dời cảng Hoàng Diệu, tuyến đường sắt hiện hữu có thể nối ra khu vực Lạch Huyện hay chỉ nên dừng lại ở vị trí hiện tại, sau đó, thiết lập một cảng thủy nội địa tại khu vực sông Cấm để trung chuyển hàng hóa từ phía trong ra ngoài cảng nước sâu.
"Phương án xây dựng cần phải rẻ nhất và hiệu quả nhất, tránh trường hợp đầu tư 40 - 50 nghìn tỷ cho đường sắt chỉ để phục vụ một vài chuyến tàu hàng, gây lãng phí lớn” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Về kết nối vận tải đường thủy, theo Bộ trưởng GTVT hiện khu vực Cái Mép - Thị Vải đang tận dụng tốt vai trò của hệ thống đường thủy khi 80% hàng hóa thông qua/cung cấp cho cụm cảng hiện lưu thông bằng phương tiện thủy nội địa.
“Cục Hàng hải và đơn vị tư vấn cần đánh giá, chúng ta có thể tận dụng lợi thế tự nhiên của hệ thống sông Hồng, sông Cấm, phát triển mạng lưới thủy nội địa đến Lạch Huyện hoặc thiết lập hệ thống cảng cạn ở gần Hải Phòng để tập kết hàng hóa, sau đó dùng đường thủy nội địa để cung cấp hàng hóa cho Lạch Huyện?” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói và giao Cục Đường thủy nội địa Việt Nam sớm khảo sát hai bên bờ sông Hồng, lấy cơ sở đề xuất hình thành các cảng thủy nội địa kết nối dọc tuyến từ Việt Trì xuống Hải Phòng.
Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, đại diện Công ty CP Tư vấn xây dựng Cảng - Đường thủy (TEDI Port) cho biết, điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu bến cảng Lạch Huyện đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 sẽ có một số điểm mới so với quyết định số 2973/204 được Bộ GTVT ban hành trước đó.
Như Quỳnh