Fica
  1. Thời sự

Bộ trưởng Công Thương: “Đánh” mạnh các điểm “nóng” về hàng lậu, hàng giả

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Đó là vụ “đánh” trung tâm hàng lậu, hàng giả ở Lào Cai với quy mô tới hơn 10.000m2, hơn 200.000 chủng loại; trung tâm thương mại lớn chuyên buôn hàng lậu, hàng giả ở TP.HCM, Hà Nội, Quảng Ninh...

Chiều nay (9/11), Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại nghị trường, đại biểu Nguyễn Tất Thắng - đoàn Vĩnh Long - đặt vấn đề hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại có diễn biến phức tạp và những giải pháp để bảo vệ người tiêu dùng.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Tính đến nay là tròn 2 năm có lực lượng quản lý thị trường đã được tổ chức lại theo hệ thống ngành dọc xuyên suốt. Mặc dù có nhiều tiến bộ và nỗ lực trong đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trên cả nước và cả trên sàn thương mại điện tử, nhưng thực tế vẫn còn nhiều hình thức biến tướng rất phức tạp của nạn buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.

“Với bối cảnh kinh tế thị trường, Việt Nam đang mở cửa sâu rộng với thế giới, trong khi lợi nhuận rất cao từ buôn lậu, hàng giả đã kích thích các đối tượng và tổ chức tham gia rất sâu vào việc này. Vì vậy, việc chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém phẩm chất là nhiệm vụ của cả hệ thống, phải có sự vào cuộc đồng bộ ở cả trung ương và địa phương” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin.

Bộ trưởng Công Thương: “Đánh” mạnh các điểm “nóng” về hàng lậu, hàng giả - 1

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (ảnh: Đoàn Bắc)

Trong năm 2019, 2020, Bộ trưởng Công Thương cho biết lực lượng quản lý thị trường của Bộ Công Thương đã phối hợp với lực lượng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389) của trung ương và địa phương, “đánh mạnh” vào các hệ thống buôn lậu được tổ chức rất tinh vi tại rất nhiều nơi.

“Mới đây, các lực lượng đã bắt trung tâm hàng lậu rất lớn ở Lào Cai với quy mô hơn 10.000m2, hơn 200.000 chủng loại hàng hóa. Lực lượng cũng “đánh” thẳng vào một số nơi sản xuất hàng lậu, hàng giả ở Ninh Hiệp, Hải Dương; những trung tâm thương mại lớn chuyên buôn hàng lậu, hàng giả ở TP.HCM, Hà Nội, Quảng Ninh...” - Bộ trưởng Công Thương dẫn chứng.

Người đứng đầu ngành công thương cho rằng, về số lượng, quy mô, tổ chức “đánh” hàng lậu, hàng giả đã được nâng cấp, hiệu quả cũng tăng lên một bước. Đặc biệt, với sự phối hợp của lực lượng Ban 389 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, các lực lượng đã triển khai tốt, hoạt động rất tích cực về chống hàng lậu, hàng giả trên các địa bàn.

Tuy nhiên, do độ mở nền kinh tế lớn như Việt Nam lớn nên phải tăng cường hơn nữa vai trò của lực lượng trong Ban 389 ngay từ biên giới để đảm bảo không có thẩm lậu hàng hóa vào trong nước. Trong lãnh thổ Việt Nam, lực lượng quản lý thị trường phải tập trung quyết liệt để đấu tranh với các trung tâm “nóng” về hàng lậu, hàng giả.

Về thương mại điện tử, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá đây là môi trường rất phức tạp, là lĩnh vực mới và đang tăng trưởng nhanh chóng do có tính chất dễ dàng về điều kiện cho tất cả các đối tượng tham gia vào thương mại điện tử xuyên biên giới.

“Hệ thống quản lý và cơ sở pháp lý của chúng ta hiện nay còn thiếu và chưa có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, Bộ, ngành để quản lý các hoạt động thương mại điện tử trên các trang thương mại điện tử, các website thương mại điện tử, các hoạt động bán hàng trên mạng xã hội, trên youtube... Do đó, việc lừa đảo và gian lận thương mại trên môi trường mạng này đang phát triển rất nhanh” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.

Về giải pháp trong thời gian tới, ông Trần Tuấn Anh thông tin việc Bộ Công Thương đang xây dựng lại Nghị định 52, trong đó xác định trách nhiệm của các cơ chế có liên quan, từ đấu tranh, ngăn chặn, đảm bảo thu thuế và đấu tranh với gian lận thương mại gắn với các hoạt động quảng cáo, giới thiệu hàng hóa trên các môi trường mạng. Các Bộ, ngành sẽ cùng phối hợp trong thời gian tới.

Cùng đó, các chế tài đã ban hành đủ mạnh như Nghị đinh 98 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ là công cụ đảm bảo tính răn đe đấu tranh và ngăn chặn gian lận thương mại trên môi trường điện tử.

Ngoài ra, Bộ trưởng Công Thương cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tuyên truyền pháp luật, vì thói quen sử dụng sản phẩm của người tiêu dùng đã được định hình trong 1 thời gian dài, nên phải có sự tuyên truyền để thay đổi dần về thói sử dụng sản phẩm đảm bảo chất lượng.

Châu Như Quỳnh