Theo thông tin từ Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên vừa có cuộc họp trực tuyến với Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) và 63 Cục quản lý thị trường các tỉnh/thành phố trên cả nước.
"Mỗi cán bộ phải cảm thấy đau lòng, đáng tiếc"
Kể từ khi thành lập Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) và chuyển đổi mô hình theo ngành dọc năm 2018 đến nay, đây là lần đầu tiên, lãnh đạo Bộ Công Thương làm việc với toàn lực lượng quản lý thị trường.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp (Ảnh: MOIT).
Tại cuộc họp, nhắc lại sự việc đáng tiếc xảy ra những ngày qua liên quan đến một số cán bộ, công chức quản lý thị trường vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu: Những sai phạm xảy ra vừa qua phải được nhìn nhận đúng, mỗi cán bộ phải cảm thấy đau lòng, đáng tiếc để từ đó rút kinh nghiệm cho chính bản thân.
Nếu không thẳng thắn nhìn nhận, không nhận ra cái sai, không kịp thời rút kinh nghiệm, chấn chỉnh thì hậu quả nặng nề hơn, khắc phục khó khăn hơn, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng cho rằng, đối với những hành vi vi phạm của cán bộ công chức quản lý thị trường trong thời gian qua, phải kiên quyết làm trong sạch bộ máy, sẵn sàng loại khỏi bộ máy những cán bộ tha hóa, biến chất làm ảnh hưởng đến hình ảnh của lực lượng.
Thứ trưởng cũng yêu cầu người đứng đầu Tổng cục, Cục QLTT các địa phương cần nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, làm gương cho cán bộ, công chức quản lý thị trường cấp dưới.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, tính đến hết tháng 7, đã bổ nhiệm chính thức 32 cục trưởng, 25 quyền cục trưởng và 6 phụ trách cục. Đặc biệt, công tác bộ máy đã được tinh gọn, từ 681 đội đến nay chỉ còn 376 đội.
Ông Trần Hữu Linh cũng thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại. Đó là nhận thức quản lý thị trường chưa được đồng bộ, nhất quán trong toàn lực lượng; Chất lượng đội ngũ công chức chưa đồng đều; Công tác kiểm tra, giám sát nội bộ còn chưa nghiêm; Cùng với một số yếu tố khách quan như lực lượng mỏng, trong khi địa bàn quản lý rộng, có đội địa bàn 3-4 huyện, phương tiện chưa đủ. Hệ thống pháp luật còn trùng lặp, chưa đồng bộ.
"Đã đến lúc cần xác định lại khái niệm quản lý thị trường, mang tính giám sát cảnh báo, dự báo, kiểm tra cả khâu sản xuất; Chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, đạo đức công vụ", ông Linh nói.
Đề xuất giải pháp xây dựng lực lượng QLTT, ông Trương Văn Ba - Cục trưởng Cục QLTT TPHCM - cũng kiến nghị, xử lý dứt khoát, triệt để những hành vi vi phạm. "Trước kia, chúng ta xử lý không triệt để, không dứt khoát nên những sai phạm sau này càng lớn hơn. Do vậy, phải kiên quyết, không bao che, xử lý nghiêm để ngăn chặn các hành vi sai phạm", ông Ba cho biết.
Phải coi những sự vụ gần đây là "bài học kinh nghiệm, bài học đau đớn"
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu cần phải chấn chỉnh lại toàn bộ lực lượng. Những sự vụ xảy ra gần đây cần được coi là bài học kinh nghiệm, thậm chí là bài học đau đớn để xây dựng lực lượng ngày một chính quy, tinh nhuệ, có đạo đức chuyên môn và là đơn vị tham mưu cho Bộ đưa ra những quyết sách, quy định đúng trên tinh thần thượng tôn pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giao một số nhiệm vụ trọng tâm mà lực lượng quản lý thị trường phải thực hiện trong thời gian tới.
Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh việc cần phát huy các kết quả đã đạt được cũng như khắc phục những tồn tại hạn chế để làm tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.
Từ những sự vụ đau lòng xảy ra thời gian vừa qua, Tổng cục, các đơn vị cục cũng như mỗi đơn vị trực thuộc cần rút kinh nghiệm để chủ động rà soát, giải quyết các vấn đề còn nội tại, trên cơ sở tuân thủ pháp luật, phù hợp với thực tiễn, phát huy tính dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm của từng đơn vị.
Bộ trưởng cũng giao lãnh đạo Tổng cục QLTT thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung, đề xuất việc ban hành các quy chế, quy định, quy trình mới về công tác cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật cán bộ thật nghiêm túc, phù hợp các quy định hiện hành, đáp ứng với yêu cầu thực tiễn trong việc kiểm tra, giám sát công tác, nhằm siết lại kỷ luật, kỷ cương, nguyên tắc làm việc của toàn ngành.
"Tôi yêu cầu phải hoàn thiện trước ngày 31/12 năm nay. Tổng cục QLTT phải tự ban hành những quy định của mình và tham mưu cho Bộ trưởng để có những văn bản chỉ đạo, điều hành, đúng, trúng, phù hợp với bối cảnh, thực tiễn", Bộ trưởng lưu ý.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị khẩn trương rà soát, chấn chỉnh lại công tác tổ chức thực thi nhiệm vụ; chú trọng công tác đánh giá, dự báo tình hình trên từng địa bàn để có phương án, kế hoạch cụ thể, phân công phù hợp; cần chú trọng công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ, có kế hoạch luân chuyển địa bàn, lĩnh vực phụ trách một cách phù hợp, tránh tâm lý ỷ lại, chủ quan, tiêu cực, trì trệ; xây dựng, thực hiện cơ chế, giám sát, thanh tra, kiểm tra công vụ, nghiệp vụ thường xuyên, đột xuất; xử lý nghiêm sai phạm...
Trước đó, ngày 17/8, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Hùng, cựu cục phó Cục Quản lý trị trường, tổ trưởng Tổ 1444 Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) do liên quan vụ án sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả diễn ra tại Hà Nội.
Hôm 23/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành khám xét nơi làm việc và tạm giam giữ đối với 3 công chức thuộc Đội QLTT số 14, Cục QLTT TP Hà Nội gồm: Ông Lê Việt Phương - nguyên Phó Đội trưởng Đội QLTT số 17, nay là Đội trưởng, Đội QLTT số 14. Ông Phạm Ngọc Hải - công chức Đội QLTT số 17, nay là công chức Đội QLTT số 14. Bà Thành Thị Đông Phương - công chức Đội QLTT số 17, nay là công chức Đội QLTT số 14.
Cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương đã ra Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Thanh Hải - nguyên Quyền Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Hải Dương về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi còn giữ chức Phó Giám đốc Sở Công Thương, kiêm Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Hải Dương.
Nguyễn Mạnh