Tại hội thảo "CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt” do Trung ương Hội nông dân Việt Nam phối hợp Bộ Công Thương tổ chức sáng nay (2/7) tại Hà Nội, các đại biểu khẳng định, để tận dụng cơ hội từ CPTPP cũng như các Hiệp định thương mại tự do FTA cần chú trọng nâng cao năng lực các cấp hội nông dân và hội viên về thông tin thị trường, phương thức sản xuất, chất lượng hàng hóa trong chuỗi giá trị toàn cầu...
Toàn cảnh hội thảo.
Nhận diện về tình trạng sản xuất và tiêu thụ nông sản hiện nay của Việt Nam cũng như xu hướng và triển vọng của tiêu thụ nông sản của Việt Nam trong CPTPP; cơ hội, thời cơ, thách thức, khó khăn khi CPTPP tác động đến sản xuất, tiêu thụ nông sản của Việt Nam? Cách gì để nông sản Việt Nam phát huy tối đa lợi thế và hạn chế tối đa bất lợi? là những nội dung chính được các đại biểu và nông dân chia sẻ tại hội thảo.
Nhiều đại biểu cho rằng, nhận diện rõ hơn những cơ hội và thách thức của nông sản Việt Nam trong CPTPP sẽ góp phần tăng cường nâng cao nhận thức và sự quan tâm của các cấp, ngành, doanh nghiệp và nông dân đối với sản xuất nông nghiệp, đời sống nông dân và phát triển nông thôn…
Bà Đặng Thị Dịu, Giám đốc công ty Nam Phú Hải nuôi tôm, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh - doanh nghiệp đang xuất khẩu tôm sang thị trường Australia chia sẻ: "Hội nhập là cơ hội cho những doanh nghiệp nuôi tôm của chúng tôi vì mỗi một năm Móng Cái có hàng trăm ha nuôi tôm với sản lượng hàng nghìn tấn. Tham gia CPTPP sẽ nhiều cơ hội để doanh nghiệp xuất khẩu. Về phía các doanh nghiệp rất cần về thông tin thị trường, quy trình và chất lượng của sản phẩm".
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, hội nhập là lựa chọn không thể đảo ngược của Việt Nam, nhất là khi chúng ta đã ký kết 13 Hiệp định thương mại tự do, trong đó có những hiệp định thế hệ mới với các tiêu chuẩn cao như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA).
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.
"Bức tranh hội nhập không phải là màu hồng do những nguyên nhân từ chủ quan đến khách quan. Trong đó, nông sản là hàng hóa dễ tổn thương nhất khi có xáo trộn, tranh chấp thương mại trên thế giới" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá.
Người đứng đầu ngành công thương phân tích thêm, để tận dụng tốt các cơ hội và đối phó hiệu quả với các thách thức mà các Hiệp định thương mại tự do FTA mang lại, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng chú trọng khâu quy hoạch, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ sở hạ tầng, hệ thống thông tin, đào tạo nghề.
Về phía doanh nghiệp tập phát triển hệ thống thông tin thị trường xuất khẩu; tổ chức tốt công tác thu thập, xử lý thông tin và xúc tiến thương mại thực chất, hiệu quả. Bên cạnh đó, nông dân và các thành phần kinh tế tham gia chuỗi giá trị sản phẩm nông sản xuất khẩu cần chủ động nâng cao năng lực thông qua việc gia tăng mối liên kết, phát triển các hình thức hợp tác để tăng năng lực cạnh tranh, khả năng sản xuất quy mô lớn và bền vững.
Ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam khẳng định, tham gia các Hiệp định thương mại tự do Hội nông dân các cấp nói riêng và nông dân nói chung được nâng cao trình độ canh tác nông nghiệp sản xuất hàng hóa chất lượng đạt chuẩn quốc tế. Vì vậy, phải nhận diện rõ thuận lợi, cơ hội, cũng như khó khăn, thách thức để vượt qua thách thức, đảm bảo lợi ích cho nông dân theo quan điểm vì nông dân và nông dân làm chủ.
Ông Thào Xuân Sùng phát biểu tại hội thảo.
"Sắp tới Trung ương hội sẽ tập trung triển khai tổ chức tập huấn lại toàn bộ cán bộ hội nông dân các cấp, nhất là giám đốc các hợp tác xã và các chủ hộ nông dân với nhiều phương thức khác nhau. Trong đó chú trọng tập huấn theo phương pháp thực hành và quy trình sinh trưởng của cây, con chứ không tập huấn theo hình tham quan thực tế như trước đây" - ông Sùng cho biết.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) gồm 11 nước thành viên là thị trường lớn với tổng dân số khoảng 500 triệu người; tổng giá trị GDP năm 2018 là 11 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 13% GDP và 14% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu.
Nguyễn Dương