Nếu các chính sách ưu đãi được thực hiện, ngành ô tô Việt Nam sẽ tiếp tục có ưu đãi lớn, trọng tâm. Tuy nhiên, để ưu đãi của Chính phủ khiến giá xe thực sự giảm mạnh, phù hợp với túi tiền người tiêu dùng Việt, chính sách cần tập trung vào từng doanh nghiệp, từng chủng loại xe và có cam kết tỷ lệ nội địa hoá, sản lượng bán xe ra ngoài thị trường.
Đề xuất giảm thuế nhập khẩu đối với linh kiện xe hơi có thể giúp giá xe sản xuất trong nước giảm giá
Mới đây, tại Họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 11/2019, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai thông tin bộ này đã hoàn tất Dự thảo sửa đổi Nghị định 125/2017 về biểu thuế ưu đãi đối với ô tô và linh kiện ô tô. Theo đó sẽ đề xuất ưu đãi thuế 0% đối với linh kiện xe hơi trong nước chưa sản xuất được phải nhập khẩu về phục vụ lắp ráp trong nước.
Trường hợp thứ 2 là áp dụng thuế suất 0% đối với linh kiện xe ô tô mà doanh nghiệp xe hơi trong nước sản xuất được, để phục vụ các nhà máy sản xuất ô tô trong nước.
Dự kiến tháng 12 này, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ, Quốc hội thông qua Nghị định sửa đổi nói trên nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm.
Mới đây, VinFast, hãng xe nội địa của Việt Nam cho biết, mỗi chiếc xe của doanh nghiệp này chiếm vài trăm triệu tiền thuế do phải nhập các thiết bị từ các doanh nghiệp khác về phục vụ sản xuất. Chính vì điều này, hãng xe này đang phải bù lỗ hàng trăm triệu đồng mỗi xe.
Cũng tại Diễn đàn về công nghiệp ô tô Việt Nam vừa được tổ chức cuối tháng 11, ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc của Thaco - Trường Hải đề xuất Chính phủ giảm thuế nhập khẩu linh kiện về 0%.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp khác đề xuất giảm hoặc bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị gia tăng trong nước, đối với xe có dung tích xylanh thấp nhằm khuyến khích tiêu dùng xe và giảm chi phí.
Được biết, chi phí sản xuất xe hơi của Việt Nam hiện vẫn cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực, trong đó chủ yếu là Thái Lan và Indonesia. Chi phí cao do mức đánh thuế chồng thuế của Việt Nam hiện cao và có phần bất hợp lý.
Đơn cử, nếu một chiếc xe lắp ráp nguyên chiếc (nhập nguyên chiếc các linh kiện, thiết bị), thiết bị sẽ chịu thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần linh kiện, thuế giá trị gia tăng… Đến khi chiếc xe xuất xưởng, sẽ tiếp tục chịu các loại thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bản thân chiếc xe, thuế giá trị gia tăng…
“Hiện ngoài thuế nhập khẩu chiếm lớn, thuế tiêu thụ đặc biệt đang là gánh nặng rất lớn, ảnh hưởng làm tăng chi phí sản xuất xe cho các doanh nghiệp Việt”, đại diện doanh nghiệp lắp ráp xe hơi tại phía Nam nói.
Dự thảo sửa đổi Nghị định 125 mà Bộ Tài chính trình Quốc hội, để đáp ứng được diện ưu đãi thuế nhập 0%, bắt buộc các doanh nghiệp xe hơi phải đáp ứng sản lượng riêng từng mẫu xe cam kết nhất định hoặc sản lượng chung của doanh nghiệp nhất định.
Sản lượng tối thiểu mà các doanh nghiệp nhận ưu đãi phải đáp ứng
Đơn cử, sản lượng riêng cho doanh nghiệp hưởng lợi thuế nhập 0% là 4.000 chiếc từ năm 2020 đến năm 2021 và từ năm 2021 đến năm 2022 tăng lên đến 4.500 và 5.000 xe. Sản lượng chung tối thiểu của doanh nghiệp là từ 10.000 chiếc năm năm 2020; 11.500 chiếc năm 2021 và 13.500 chiếc năm 2022.
Về sản lượng chung, hầu hết các doanh nghiệp lớn như Thaco, Toyota, Hyundai Thành Công… hiện đều đáp ứng được. Còn về sản lượng riêng, thì mỗi hãng xe cũng có thể đáp ứng cho các dòng xe, chiến lược, có doanh số tốt trên thị trường.
Về lý thuyết việc giảm, thậm chí bỏ thuế nhập khẩu linh kiện có thể khiến giá xe sản xuất trong nước rẻ đi. Tuy nhiên, thực tế việc giảm giá hay không sẽ phụ thuộc vào doanh nghiệp bởi bài toán lợi ích doanh nghiệp chỉ có được nếu quy mô sản xuất lắp ráp lớn, đồng thời doanh số bán ra đạt mức cao. Nếu doanh số bán thấp, do giá cao hoặc khó cạnh tranh, dù cho doanh nghiệp có sản xuất đúng, đủ sản lượng cũng khó có thể giảm giá như kỳ vọng được.
An Linh