Theo yêu cầu của Thủ tướng, Chính phủ thay đổi phương thức kiểm tra chất lượng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất theo hướng đưa đơn vị giám định độc lập vào cuộc.
Phế liệu nhập khẩu bị ùn ứ tại cảng biển Việt Nam lên đến hơn 24.000 container
Đơn vị này sẽ tổ chức giám định chất lượng phế liệu nhập khẩu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ kết quả giám định, phân tích chất lượng của các lô hàng phế liệu nhập khẩu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất và có sự tham gia của cơ quan hải quan trong quá trình kiểm tra, lấy mẫu.
Đơn vị này chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ kết quả giám định, phân tích chất lượng của các lô hàng phế liệu nhập khẩu.
Căn cứ vào kết quả kiểm tra, giám định của đơn vị giám định, cơ quan hải quan thực hiện việc thông quan các lô hàng phế liệu nhập khẩu theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư bãi bỏ những nội dung bất cập liên quan đến quy trình kiểm tra chất lượng phế liệu nhập khẩu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất tại Thông tư số 08/2018/TT-BTNMT và Thông tư số 09/2018/TT-BTNMT ngày 14/9/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trước đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng đã làm việc tại Hải Phòng để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn khi có hơn 24.000 container phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại cảng.
Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2019, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết hai Thông tư 08 và 09 của Bộ TN&MT nói trên đang gây khó khăn, vô tình bóp chết doanh nghiệp.
Ông Dũng cho biết khá nhiều doanh nghiệp phát khóc khi nhà máy cần nguyên liệu, trong khi nguyên liệu không về được nhà máy phải để ở cảng tốn chi phí. Hiện một đơn hàng container phải trải qua 4 khâu gồm nhiều đơn vị quản lý khác nhau.
Theo Bộ trưởng Dũng, thời điểm hiện nay, nếu bán cả vỏ container và "ruột" - phế liệu bên trong cũng không đủ tiền chi phí của doanh nghiệp gánh chịu.
Nguyễn Tuyền