(Ảnh minh hoạ). |
Chưa đầy 1 tháng trước, dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi) được Bộ Tài chính đưa ra vẫn tiếp tục bảo lưu việc xin giao quyền điều tra, khởi tố các hành vi có dấu hiệu tội phạm về thuế.
Tuy nhiên, dự thảo mới nhất đưa ra lấy ý kiến vừa công bố đã không còn có đề xuất này.
Trước đó, đánh giá về sự cần thiết của việc trao quyền cho cơ quan thuế điều tra, khởi tố, Bộ Tài chính cho rằng, việc điều tra quy định bổ sung trong Luật quản lý thuế bản chất là công tác điều tra ban đầu, không chồng chéo với công tác điều tra chuyên sâu của các cơ quan chức năng khác.
"Quy định này tốt cho toàn hệ thống quản lý của nhà nước Việt Nam, tăng cường sự phối kết hợp với các ban ngành có liên quan, tiết kiệm nguồn nhân lực cho hệ thống điều tra hiện hành và đảm bảo tránh phiền hà cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính", Bộ Tài chính đánh giá.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng cho rằng, việc cán bộ thuế có thêm thẩm quyền như trên sẽ làm giảm tải khối lượng công việc cho cơ quan điều tra chuyên trách, giúp cho cơ quan điều tra chuyên trách thực hiện điều tra tội phạm trong lĩnh vực thuế hiệu quả hơn.
Đồng thời, phát huy nguồn lực sẵn có của cơ quan thuế với đội ngũ cán bộ có năng lực, chuyên môn chuyên sâu về nghiệp vụ thuế; Tránh kéo dài thời gian xác minh hành vi vi phạm pháp luật về thuế; Tránh để loạt tội phạm trong lĩnh vực thuế, đem lại công bằng cho các đối tượng nộp thuế.
Ban soạn thảo cho rằng, các hành vi gian lận, trốn thuế, nhất là những hành vi gian lận thuế trong các lĩnh vực mới như: gian lận thông qua chuyển giá, báo lỗ giả nhằm trốn thuế, kinh doanh thương mại điện tử, hoàn thuế xuất nhập khẩu... được thực hiện với quy mô ngày càng lớn, có tổ chức, không chỉ giới hạn phạm vi một quốc gia với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi và có diễn biến phức tạp.
Trong khi đó, ở nước ta, cơ quan thuế do chưa được giao quyền điều tra các hành vi tội phạm về thuế nên toàn bộ các vụ vi phạm có dấu hiệu hình sự đều chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra để điều tra, khởi tố vụ án. Tuy nhiên tỷ lệ các vụ xử lý được còn thấp do hành vi vi phạm pháp luật về thuế phức tạp đa dạng, diễn ra trên phạm vi rộng, có liên quan đến chứng từ, sổ sách, kế toán, thanh toán...;
Bộ Tài chính cho rằng, cơ quan công an do hạn chế về lực lượng, không chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ thuế, không trực tiếp quản lý thông tin về lĩnh vực này nên quá trình điều tra, trưng cầu giám định thường bị chậm trễ dẫn đến truy thu tiền thuế trốn, tiền thuế chiếm đoạt không kịp thời, tác dụng răn đe ngăn chặn các hành vi vi phạm về thuế bị hạn chế.
"Nhất là do đặc thù trong công tác điều tra các vụ án cần có thời gian và đảm bảo bí mật thông tin nên việc đối chiếu tiến độ vụ việc giữa hai ngành công an và thuế chưa được thực hiện thường xuyên và nếu việc này được tiến hành thì hai ngành cần có một nguồn lực, thời gian và chi phí lớn cho việc này vì số lượng thông tin là rất lớn và địa bàn rộng, trải dài trên khắp cả nước", Ban soạn thảo cho hay.
Trước đó, về đề xuất này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lo ngại tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
VCCI đề nghị cân nhắc việc bổ sung chức năng điều tra cho Cơ quan thuế thì cùng 1 cơ quan, cùng 1 bộ máy vừa thực hiện thu thuế, vừa thực hiện thanh tra rồi lại thực hiện hoạt động điều tra thuế. Việc này sẽ có thể làm giảm tính khách quan của hoạt động điều tra tố tụng, giảm tính minh bạch của hoạt động quản lý thuế.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng bày tỏ không sự đồng tình vì hiện nay chức năng điều tra theo quy định hiện hành không thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý thuế. Trong một số trường hợp thì cơ quan quản lý thuế cũng là đối tượng điều tra thuế, vì vậy, việc điều tra thuế nên để một cơ quan độc lập thực hiện.
Phương Dung