Fica
  1. Thời sự

Bộ KH&ĐT đề xuất hàng loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn do Covid-19

Nguyễn Tuyền
Nguyễn Tuyền

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa xây dựng dự thảo Nghị quyết về việc hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh, trình Chính phủ xem xét thông qua.

Cụ thể, cơ quan này đưa ra bốn nhóm giải pháp gồm phòng, chống Covid-19 linh hoạt, hiệu quả; lưu thông hàng hoá thông suốt, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn; cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp và tháo gỡ khó khăn về lao động, chuyên gia.

Ở nhóm giải pháp các biện pháp phòng, chống Covid-19, trọng tâm là ưu tiên và bổ sung tiêm vaccine cho người lao động tại doanh nghiệp ở các vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế, khu - cụm công nghiệp, và các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, xuất nhập khẩu; người lao động trong một số lĩnh vực có tiếp xúc cao.

Bộ KH&ĐT đề xuất hàng loạt chính sách ưu đãi doanh nghiệp khó khăn do Covid-19

Về đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng, Bộ KH&ĐT đề xuất Chính phủ giao các bộ: Giao thông Vận tải, Công Thương, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn... không quy định thêm các điều kiện cản trở lưu thông, nhất là với hàng hóa thiết yếu, vật tư, nguyên liệu sản xuất; không để xảy ra tiêu cực, làm tăng chi phí của doanh nghiệp.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho các thương nhân, doanh nghiệp thu mua, tạm trữ thóc, gạo, nhất là tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Về giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền, Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn Bảo hiểm xã hội Việt Nam đưa ra chính sách tạm dừng, giảm mức đóng bảo hiểm xã hội năm 2021 cho doanh nghiệp đến tháng 6/2022. đến tháng 6-2022.

Tại dự thảo, Bộ KH&ĐT đề xuất Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng trong tháng 8 việc giảm giá điện cho các kho chứa hàng hóa của các doanh nghiệp logistics, chế biến nông, lâm, thủy sản và một số ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu năm 2020 trên 1 tỷ USD. Cùng với việc tiếp tục giảm giá điện cho các cơ sở lưu trú, Chính phủ giao Bộ Công Thương, Tài chính khẩn trương xây dựng lại cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Dự thảo Nghị quyết cũng nêu, Bộ Tài chính khẩn trương triển khai các chính sách về giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được ban hành; thuế ưu đãi với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng, chống Covid-19 sau khi được Chính phủ thông qua.

Đồng thời, nghiên cứu trình Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết năm 2021; đánh giá tác động để tiếp tục giảm lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước thêm một khoảng thời gian phù hợp với diễn biến của dịch bệnh.

Cuối cùng, tháo gỡ khó khăn về lao động, chuyên gia, Chính phủ giao Bộ Lao động, Thương binh và xã hội đưa ra chính sách linh hoạt về cấp, gia hạn giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam phù hợp với bối cảnh mới.

Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội cũng được yêu cầu nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ trong tháng phù hợp với diễn biến của dịch bệnh, đảm bảo tổng số giờ làm thêm không quá 300 giờ một năm. 

Cũng theo dự thảo Nghị quyết, Bộ KH&ĐT đề xuất Chính phủ cho phép các địa phương tự "quyết" phương án sản xuất kinh doanh "3 tại chỗ", "2 điểm đến, 1 cung đường". 

Theo đó, Chính phủ sẽ giao địa phương cùng doanh nghiệp chủ động, thống nhất và quyết định, chịu trách nhiệm về phương án sản xuất, kinh doanh "3 tại chỗ", "2 điểm đến, 1 cung đường" phù hợp trong điều kiện diễn biến Covid-19 ở địa phương, thực tế của doanh nghiệp.\

An Linh