Fica
  1. Thời sự

Bộ Giao thông "thúc" tiến độ xây dựng nhà ga hàng không T3 - Tân Sơn Nhất

Như Quỳnh
Như Quỳnh

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) khẳng định việc sớm bàn giao mặt bằng khu đất 16,05 ha là cần thiết để đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Nhà ga T3.

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi VPCP góp ý về việc bàn giao đất để xây dựng Nhà ga T3 và bổ sung quy hoạch sử dụng đất quốc phòng trên địa bàn TP.HCM.

Bộ GTVT muốn Bộ Quốc phòng sớm bàn giao đất để xây dựng nhà ga T3

Theo Bộ GTVT, việc sớm bàn giao mặt bằng khu đất 16,05 ha là cần thiết để đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Nhà ga T3 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương tại Quyết định số 657/QĐ-TTg ngày 19/05/2020.

Bộ GTVT sẽ khẩn trương phối hợp với các cơ quan có liên quan trong công tác bàn giao đất, đồng thời sẽ triển khai ngay các thủ tục để xây dựng Nhà ga T3, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất ngay sau khi được UBND TP.HCM bàn giao đất đảm bảo quy định, tiến độ, chất lượng.

Trước đó, Bộ Quốc phòng có Công văn số 507 về việc bàn giao đất để xây dựng Nhà ga T3 và bổ sung quy hoạch sử dụng đất quốc phòng trên địa bàn TP.HCM.

Văn bản do Thượng tướng Phan Văn Giang, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng ký, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Quốc phòng được thực hiện trước việc bàn giao mặt bằng khu đất 16,05ha do Quân chủng Phòng không - Không quân đang quản lý thuộc phường 4, quận Tân Bình, TP. HCM với hình thức chuyển giao cho địa phương quản lý để xây dựng Nhà ga T3 và đưa diện tích đất trên vào quy hoạch sử dụng đất quốc phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn TP. HCM.

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, Bộ Quốc phòng sẽ chỉ đạo Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân phối hợp với UBND TP. HCM, các cơ quan chức năng của địa phương và Bộ Quốc phòng hoàn thành các thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng và bàn giao cho địa phương quản lý.

Theo quyết định của Thủ tướng, nhà ga hành khách T3, công suất 20 triệu hành khách/năm và các công trình phụ trợ đồng bộ, phục vụ khai thác nội địa tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất đáp ứng yêu cầu khai thác, phù hợp với quy hoạch và phân chia sản lượng khai thác giữa sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất, giảm tải cho nhà ga T1 hiện đang quá tải, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.

Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 10.990 tỷ đồng bằng nguồn vốn hợp pháp của ACV (không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước). Dự án có thời hạn hoạt động 50 năm, kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất. Theo ACV, sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án được lập dựa trên cơ sở tham khảo suất đầu tư của các dự án tương tự về mức độ đầu tư về kỹ thuật.

Như Quỳnh