Fica
  1. Thời sự

Bộ Giao thông nói gì về việc hoàn thành đường sắt Cát Linh - Hà Đông?

Bài lấy lại
Bài lấy lại

"Đường sắt Cát Linh - Hà Đông là một trong các dự án trọng điểm, cấp bách có mốc thời gian hoàn thành trong năm 2021" - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết.

Văn bản thông báo kết luận cuộc họp về tiến độ các dự án xây dựng cơ bản và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT ngày 13/9 nêu rõ một số thông tin đáng chú ý.

Ông Nguyễn Trí Đức - Chánh Văn phòng Bộ GTVT - cho biết, Bộ GTVT ghi nhận các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian vừa qua đã có nhiều cố gắng, nỗ lực triển khai thi công, giải ngân vốn đầu tư công, không để dự án nào phải dừng, hoãn thi công. Tuy đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại cần phải khắc phục.

Điển hình như công tác giải ngân vốn đầu tư công tuy có cao hơn bình quân chung của cả nước nhưng chủ yếu vẫn là ứng hợp đồng, thanh toán nợ đọng, thu hồi vốn ứng trước, phần giải ngân cho khối lượng thi công còn thấp; công tác quản lý, điều hành dự án của một số chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án còn bị động, chưa đạt hiệu quả cao.

Theo ông Đức, nhiệm vụ giải ngân từ nay đến cuối năm là hết sức nặng nề trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, giai đoạn cao điểm mùa mưa lũ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan phải hết sức tập trung, nỗ lực thực hiện với quyết tâm cao nhất.

Bộ Giao thông nói gì về việc hoàn thành đường sắt Cát Linh - Hà Đông? - 1

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa thể đưa vào khai thác thương mại (Ảnh: Đỗ Linh).

Chánh Văn phòng Bộ GTVT cũng dẫn trong thông báo kết luận về một số dự án trọng điểm, cấp bách, trong đó có Dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

"Đối với những dự án trọng điểm, cấp bách, các dự án có mốc thời gian hoàn thành trong năm 2021 như dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, dự án nâng cấp, cải tạo đường lăn, sân đỗ cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông... yêu cầu chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án phải tập trung chỉ đạo xử lý tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân, kịp thời báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền để có chỉ đạo, xử lý" - văn bản thông báo kết luận nêu rõ.

Trên thực tế, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc.

Ngày 31/3, các đơn vị thực hiện dự án bắt đầu quá trình chuyển giao. Cấp cơ sở tiến hành kiểm đếm, tiếp nhận và xác định trách nhiệm giữa 3 bên là chủ đầu tư, Tổng thầu Trung Quốc và phía Hà Nội. Ngày 29/4, Tư vấn ACT đã ban hành chứng nhận an toàn hệ thống cho Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Bộ GTVT đã có báo cáo "nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng đưa vào sử dụng" và gửi tới Hội đồng nghiệm thu Nhà nước.

Dự án được các bên liên quan dự kiến đưa vào khai thác thương mại trong dịp 30/4 -1/5 sau khi hoàn tất các thủ tục, nhưng đến nay dự án vẫn chưa có được vận hành theo kỳ vọng.

Bộ GTVT yêu cầu Vụ Đối tác công - tư, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông phải nghiên cứu kỹ lưỡng, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến pháp lý; đồng thời khẩn trương xây dựng các kịch bản có thể xảy ra để chủ động tham mưu cho Bộ chỉ đạo, xử lý và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định kịp thời.

Bộ GTVT giao Vụ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp với Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông theo dõi, đôn đốc các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đẩy mạnh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân các dự án; liên tục cập nhật, tham mưu kịp thời cho lãnh đạo Bộ kế hoạch điều hòa, điều chỉnh vốn giữa các dự án; đánh giá về kết quả thực hiện các dự án ODA, các tồn tại và giải pháp để chuẩn bị cho họp lãnh đạo Chính phủ sắp tới; rà soát, tổng hợp, xây dựng phương án, kịch bản kéo dài phần vốn năm 2021 chưa sử dụng hết để chuyển sang năm 2022…

Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông được yêu cầu tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án xử lý, tháo gỡ khó khăn, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến độ giải ngân các dự án, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2021; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ, yêu cầu các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án chỉ đạo tư vấn, nhà thầu chấp hành nghiêm các quy trình, quy định về tổ chức thi công, sử dụng vật liệu cho dự án, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm liên quan đến công tác quản lý chất lượng.

Châu Như Quỳnh

Tin liên quan