Công trình Nhà máy thủy điện Đak Mi 4 - Quảng Nam.
Cụ thể theo Bộ Công Thương, từ đầu năm 2020, tính trung bình từ ngày 1- 28/10/2020 lưu lượng lũ về hồ Đak Mi 4 chỉ là 775,57 m3/s. Tuy nhiên, xuất hiện chiều ngày 28/10, đỉnh lũ đã lên tới 15.571,47 m3/s gấp 20 lần so với bình thường. Thuỷ điện Đak Mi 4 đã tích lại hồ được 70 triệu m3 nước, trong khi đó dung tích hữu ích của hồ 158 triệu m3 nước, chiếm 45%.
“Như vậy, nếu không có Đak Mi 4 và quy trình vận hành an toàn, nghiêm ngặt thì vùng Đại Lộc và hạ lưu sông Vu Gia sẽ lên trên mức báo động 3, có thể vượt mức lũ lịch sử năm 2009 vài mét và không loại trừ xảy ra thảm họa”, Bộ Công Thương cho biết.
Nêu chi tiết hơn về vấn đề này, thông báo từ các đơn vị chuyên môn của Bộ Công Thương cho biết: Ngày 28/10, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho hay lũ trên sông Vu Gia lên rất nhanh. Mực nước lúc 16 giờ ngày 28/10 trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 7,55m - dưới báo động 2 là 0,25m.
Trong tình huống khẩn cấp đó, để đảm bảo an toàn cho hạ du, Công ty CP Thủy điện Đak Mi - chủ đầu tư công trình thủy điện Đak Mi 4 đã cập nhật, báo cáo kịp thời với UBND tỉnh Quảng Nam và các cơ quan liên quan để vận hành điều tiết xả nước, cho xả tràn ở mức 5.100 m3/s để có thêm dung tích tiếp nhận nước lũ vào lòng hồ.
Chiều ngày 28/10, lượng nước lũ tiếp tục đổ về hồ thuỷ điện ở mức lớn hơn. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, lúc 15h45’ ngày 28/10 đỉnh lũ về hồ thuỷ điện Đak Mi 4 đạt mức 15.571m3/s, Thủy điện Đak Mi 4 đã tăng lưu lượng xả tràn lần 2 ở mức 7.074 m3/s.
Với tổng lưu lượng xả qua công trình/lưu lượng đỉnh lũ về hồ là 7.074/ 15.571m3/s, Đak Mi 4 đã cắt được hơn 8.000 m3/s, tương đương trên 50% lưu lượng đỉnh lũ.
Cùng thời điểm đó, nhánh sông có thuỷ điện A Vương, Sông Bung 4 đã chủ động điều tiết, hạ mức nước hồ xuống để ứng phó với cơn bão số 9.
Cụ thể, lưu lượng về hồ/lưu lượng điều tiết qua tràn ở thuỷ điện A Vương là 1.156/315 m3/s, cắt giảm trên 800 m3/s, tương đương giảm 72,7% lưu lượng đỉnh lũ;
Lưu lượng về hồ/lưu lượng điều tiết qua tràn ở thuỷ điện Sông Bung 4 là 1.769/161, cắt giảm trên 1.600 m3/s, tương đương giảm 90,8%% lưu lượng đỉnh lũ;
Lưu lượng về hồ/lưu lượng điều tiết qua tràn ở thuỷ điện Sông Tranh 2 là 9.868/4.386 m3/s, giảm trên 5.400 m3/s, tương đương giảm 55,55% lưu lượng đỉnh lũ.
Dẫn lời các chuyên gia, thông báo của Bộ Công Thương cho biết: Nếu không có Đak Mi 4 cùng các hồ thủy điện A Vương, Sông Bung 4, Sông Tranh 2 và và quy trình vận hành an toàn, nghiêm ngặt thì vùng Đại Lộc và hạ lưu sông Vu Gia sẽ lên trên mức báo động 3, có thể vượt mức lũ lịch sử năm 2009 vài mét và không loại trừ xảy ra thảm họa.
Cách mà Đak Mi 4 và một số hồ thủy điện nói trên “gánh” một phần lũ cho hạ du, theo lý giải của Bộ Công Thương có thể hiểu giản lược qua nguyên lý như sau: Thủy điện là một dạng hồ chứa dùng để điều tiết nước kết hợp với phát điện. Khi mưa lũ, thủy điện có nhiệm vụ tích nước, lượng nước tích lại chính là lượng lũ giảm đi nhờ hồ thủy điện.
Nếu mưa lũ tiếp tục, đến một ngưỡng thứ nhất, gọi là ngưỡng xả, hồ thủy điện bắt đầu xả nước để giảm tốc độ nước dâng trong hồ. Khi mực nước trong hồ đạt tới ngưỡng thứ 2, hồ sẽ xả nước với lưu lượng lớn hơn nhưng nguyên tắc bất di bất dịch là lượng nước xả không vượt quá mức nước lũ về hồ thủy điện.
Nếu không có hồ thủy điện, thì toàn bộ lượng nước trong mưa lũ đã tràn xuống khu dân cư từ trước khi nó xả.
Trước đó, ngày 26/10, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Công Thương đã có văn bản số 8080 về ứng phó khẩn cấp với cơn bão số 9. Trong đó, yêu cầu các chủ đập “Tổ chức quan trắc, thu thập thông tin về khí tượng thủy văn để chủ động vận hành hồ chứa an toàn, hiệu quả; tham gia cắt, giảm, làm chậm lũ, bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du; nghiêm túc tuân thủ quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ chứa thủy điện”.
Hiện các chủ hồ thuỷ điện tiếp tục được yêu cầu chủ động dự báo thuỷ văn, báo cáo thường xuyên cho chính quyền các địa phương; thực hiện nghiêm quy trình vận hành đơn hồ, liên hồ chứa; điều tiết nước hợp lý để giảm thiểu tình trạng lũ chồng lũ cho vùng hạ du.
Nguyễn Khánh