Fica
  1. Thời sự

Bộ Công Thương công bố kết luận thanh tra xăng dầu: Tràn lan vi phạm

Bộ Công Thương vừa công bố kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của 11 doanh nghiệp đầu mối khu vực phía Nam.

Kết luận thanh tra cho thấy hàng loạt sai phạm của doanh nghiệp đầu mối và các đơn vị, doanh nghiệp liên quan trong quá trình kinh doanh xăng dầu.

Thương nhân phân phối “bán ngược” xăng cho đầu mối

Theo kết luận thanh tra của Bộ Công Thương, trong thời kỳ thanh tra, tồn tại một số doanh nghiệp đầu mối báo cáo về kho chứa xăng dầu chưa đúng với thực tế. Cá biệt trong giai đoạn ngắn, có thương nhân thuê kho và cho thuê kho với sức chứa chưa đáp ứng theo quy định. Một số doanh nghiệp còn có tình trạng thuê kho, bồn, bể chứa, trang thiết bị liên quan đến điều kiện cấp phép để qua mặt cơ quan chức năng khi đến kỳ kiểm tra và hợp thức hoá việc cấp phép.


Theo thông tin PV Tiền Phong có được, có tình trạng thuê thương hiệu, “mua bán ngược’’ xăng dầu giữa thương nhân phân phối và doanh nghiệp đầu mối. Tình trạng mượn danh thuê kho, vi phạm loạt quy định về xuất nhập khẩu, dự trữ xăng dầu… cũng được cơ quan chức năng phát hiện trong đợt thanh tra lần này với 11 doanh nghiệp đầu mối ở khu vực phía Nam.

Cùng với đó, tình trạng vi phạm trong báo cáo tăng, giảm số lượng đại lý, thương nhân nhượng quyền, bán hàng khi giấy phép hết hạn cũng được ghi nhận. Những “ma trận” về sở hữu, tham gia góp vốn và cung ứng xăng dầu trong hệ thống giữa các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc sở hữu của các công ty con, công ty có vốn góp thuộc đồng sở hữu của một số doanh nghiệp đầu mối chưa rõ ràng, chưa có căn cứ pháp lý, chưa có đủ cơ sở để nhận xét, đánh giá về việc đồng sở hữu… cũng được cơ quan chức năng phát hiện.

Đặc biệt, với những quy định cứng về cung ứng xăng dầu, thực hiện quy trình đảm bảo an toàn trong kinh doanh xăng dầu cũng không được thực hiện nghiêm túc. Cá biệt, một số kho xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối chưa thực hiện đầy đủ các quy định như chưa trình UBND tỉnh, thành phố phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu...

Đủ hình thức lách luật

Một quan chức Bộ Công Thương xác nhận với PV Tiền Phong, ngoài các vi phạm trên, có tình trạng doanh nghiệp đầu mối đồng ý cho một số thương nhân phân phối không thuộc hệ thống được sử dụng biểu tượng, nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại của đầu mối. Việc “thuê” sử dụng biểu tượng, nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại của doanh nghiệp đầu mối này chưa được quy định về pháp lý trong kinh doanh xăng dầu điều chỉnh và là hình thức lách luật mới xuất hiện gần đây dẫn đến hiểu nhầm về nhận diện hệ thống phân phối của doanh nghiệp đầu mối.

Về tình trạng tồn kho xăng dầu, dự trữ xăng dầu tại ba miền của các doanh nghiệp đầu mối, kết luận thanh tra cũng nêu rõ việc nhiều đầu mối chưa thực hiện báo cáo tồn kho xăng dầu tại ba miền theo quy định. Cùng với đó, có tình trạng một số đầu mối mua xăng dầu trong nước từ thương nhân phân phối - chưa thực hiện đúng quy định về quyền, nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu quy định tại Nghị định 83. Về việc nhập khẩu xăng dầu, kết luận thanh tra cũng cho biết có tồn tại việc doanh nghiệp đầu mối không hoạt động nhập khẩu xăng dầu trong quý I và quý II/2021.

Một trong những kẽ hở được phát hiện là một số doanh nghiệp không nhập khẩu trong 1 quý trở lên, mặc dù chưa có hình thức xử phạt vi phạm hành chính, nhưng theo Khoản 6, Điều 8 Nghị định số 83 có quy định Bộ Công Thương có thẩm quyền thu hồi Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Với những quy định hiện hành, Bộ Công Thương hoàn toàn có thể xử phạt, rút giấy phép với những doanh nghiệp có vi phạm như trên.

Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia ngành Công Thương khẳng định, xóa bỏ nấc trung gian trong chuỗi kinh doanh xăng dầu (thương nhân phân phối) là việc cần làm sớm để thanh lọc thị trường. Đây mới là giải pháp gốc rễ để xử lý vấn đề sau khi Bộ Công Thương vừa công bố 8 giải pháp cho đảm bảo nguồn cung từ ngày 12/10.

Để giải bài toán xăng dầu hiện nay, trao đổi với PV Tiền Phong, Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp xăng dầu lớn khẳng định, việc cần làm nhất lúc này là chỉ ra được vòng luân chuyển nguồn cung xăng dầu trong chuỗi phân phối. Cùng đó, Bộ Công Thương phải thanh lọc được thị trường, rút giấy phép vĩnh viễn với các doanh nghiệp có nhiều vi phạm và xem xét lại việc cấp giấy phép của Vụ Thị trường trong nước liên quan đến cấp phép cho các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối. Theo tiết lộ của vị này, nhiều doanh nghiệp xăng dầu đầu mối tư nhân bị mắc kẹt trong bất động sản, không còn tiền nhập hàng khi bị lỗ, để lại khoảng trống trong thị trường xăng dầu, là nguyên nhân chính của việc thị trường bị rối loạn vừa qua. “Hiện có khoảng hơn 6.000 cây xăng thuộc các thương nhân phân phối, tổng đại lý trên cả nước. Nhưng khi thị trường có vấn đề, vai trò của các thương nhân phân phối không thấy đâu trong khi họ được phép mua từ nhiều nguồn để phân phối ra thị trường. Việt Nam có 36 đầu mối và hơn 300 thương nhân phân phối mà thị trường vẫn rối loạn”, vị này nói.

Không để thiếu hụt xăng dầu dịp Tết

Ngày 23/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 22 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão. Đối với mặt hàng xăng dầu, Thủ tướng yêu cầu bảo đảm nguồn cung; tiếp tục tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng.

Văn Kiên

 

Theo Phạm Tuyên

Tiền Phong